Số người tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) gia tăng. Phần lớn vụ việc nghiêm trọng được xác định là do ý thức của người tham gia giao thông.
Ô tô khách tông vào 2 người bán hàng rong bị tạm giữ tại trụ sở Công an huyện Đại Lộc
Ý thức kém
Theo thống kê, TNGT năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016-15/12/2017) trên địa bàn huyện Đại Lộc xảy ra 16 vụ khiến cho 13 người tử vong, 9 người khác bị thương tật. Tuy không tăng không giảm về số vụ, giảm 2 người bị thương so với cùng kỳ năm trước nhưng lại gia tăng 6 người chết; trật tự an toàn giao thông (ATGT) biến chuyển phức tạp. Qua phân tích cho thấy, 15/16 vụ tai nạn xuất phát từ nguyên nhân không chấp hành quy định về tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không nhường đường; vượt xe sai hay chuyển hướng không đúng quy định. Vụ TNGT rất nghiêm trọng xảy ra vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 25/11/2017, tại lý trình Km48+250 thuộc QL14B, đoạn qua thôn Lâm Tây của xã Đại Đồng là một điển hình. Thời điểm ấy, ô tô mang BKS: 92A-067.89 do Phạm Quốc Hùng trú tại thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) điều khiển chở thêm 3 người khác đã tông vào tường hộ lan bên đường khiến cho 2 người tử vong tại chỗ (có cả tài xế) và 2 nạn nhân còn lại bị chấn thương.
Chưa bước qua tháng 3/2018, địa bàn huyện Đại Lộc tiếp tục ghi nhận 7 vụ TNGT nghiêm trọng khác làm 9 người tử vong. Trong đó, mỗi trường hợp xảy ra vào lúc 15 giờ ngày 30/1 trên tuyến ĐH3.ĐL (địa phận thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng) và 18 giờ 30 phút ngày 21/2 trên tuyến ĐT609 (địa phận thôn Phú Hương, xã Đại Quang) đều có 2 người chết. Cùng chiều 21/2 (tức chiều mùng 6 Tết), ô tô khách BKS: 98H-0739 do Hoàng Văn Bắc trú huyện Lạng Giang (Bắc Giang) điều khiển, khi chạy đến lý trình Km49+830 trên QL14B, thuộc thôn Vĩnh Phước của xã Đại Đồng đã tông vào 2 người bán hàng rong bên lề đường là cư dân địa phương làm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương. Nói về nguyên nhân của 7 vụ việc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an huyện Đại Lộc, Trung tá Lê Thành Thảo cho biết, do người điều khiển phương tiện chưa tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông. Phần lớn số vụ tai nạn có liên quan đến tốc độ lưu thông, sử dụng rượu bia… “Có thể nói, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của một bộ phận nhân dân chưa cao. Nhiều người thờ ơ cho rằng, TNGT chẳng liên quan đến mình nên chủ quan mỗi khi ra đường” - Trung tá Lê Thành Thảo chỉ rõ.
Cần giải pháp đồng bộ
Chia sẻ về những tồn tại, yếu kém trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban ATGT huyện Đại Lộc - ông Trần Văn Mai cho rằng, ngoài ý thức kém của một bộ phận người tham gia giao thông, các cấp ủy đảng cũng như chính quyền một số địa phương và nhân dân còn chưa nhận thức sâu sắc về hậu quả do TNGT. Để rồi, họ không có hành động đúng đắn vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm vừa bảo vệ cho chính mình và cộng đồng. Các giải pháp ATGT dù đã đặt ra song triển khai thiếu liên tục, không quyết liệt nên kết quả khá khiêm tốn.
“Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo trật tự ATGT thiếu chặt chẽ, chủ yếu tiến hành theo chức trách nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật liên quan chưa phù hợp từng đối tượng, địa bàn, nhất là cơ sở” - ông Trần Văn Mai nói. Người có trách nhiệm thừa nhận, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT dọc tuyến QL14B, các tuyến ĐT, ĐH (đường huyện) phát hiện chưa kịp thời, xử lý không triệt để gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Đường sá tuy được nâng cấp, sửa chữa nhưng “đuổi” mãi không kịp trước tốc độ gia tăng của lưu lượng phương tiện. Chẳng hạn như tuyến ĐT609B, bề mặt đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông quá chật hẹp, 2 bên lề chênh cao với mặt đường dễ gây va chạm, mất thăng bằng khi điều khiển xe...
Để khắc phục, lãnh đạo UBND huyện và Ban ATGT huyện Đại Lộc vừa qua đã yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, ban ngành nêu cao ý thức trách nhiệm, gương mẫu chấp hành trật tự ATGT. Đẩy mạnh tuyên truyền về những nguy cơ gây TNGT, như: tốc độ tối đa cho phép, khoảng cách xe khi lưu thông, buồn ngủ và mệt mỏi lúc lái xe, uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện, lấn làn, nhập làn từ đường nhánh vào đường chính, vượt xe… Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo xử lý, kiến nghị xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; hoàn chỉnh hệ thống vạch kẻ đường, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ theo phương châm “dễ nhìn, dễ hiểu, dễ chấp hành”; giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT, che khuất tầm nhìn lái xe.
Cùng với đó, chính quyền Đại Lộc yêu cầu lực lượng chức năng đẩy mạnh kết hợp giữa cưỡng chế thi hành pháp luật với tuyên truyền giáo dục người vi phạm. Trung tá Lê Thành Thảo cho hay, cảnh sát giao thông huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các trường THPT, xuống từng địa phương nổi cộm về trật tự ATGT. Đồng thời tham mưu đề xuất cắm biển báo cảnh báo nguy hiểm trên đoạn đường thường xuyên xảy ra TNGT để nhân dân biết mà phòng ngừa; tăng cường tuần tra kiểm soát trên đường nội thị, ĐH, 2 tuyến ĐT609 và ĐT609B.