Tong năm 2017, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã xây dựng 3 mô hình "Nông dân với an toàn giao thông (ATGT); 3 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật”; 18 tổ tự quản, đoạn đường ATGT....
Các thành viên tổ tự quản ATGT đường sắt xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên
hướng dẫn học sinh qua điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong giờ cao điểm
Những năm qua, các cấp Hội nông dân tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) cho hội viên cũng như xây dựng các mô hình, đoạn đường tự quản về ATGT. Nhờ đó, nhận thức, ý thức của đông đảo hội viên khi tham gia giao thông được nâng lên, tình hình tai nạn giao thông (TNGT), nhất là tại khu vực nông thôn có chuyển biến tích cực.
Hội Nông dân tỉnh có số lượng hội viên lớn; trong khi đó, nhận thức của các hội viên về pháp luật ATGT chưa đồng đều, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sự chênh lệch này được minh chứng qua những hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, nhất là tại các tuyến đường nông thôn như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu, bia… Đây đều là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT.
Trước tình hình trên, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT tới hội viên.
Năm 2017, Hội đã phát động Phong trào "Nông dân tham gia bảo đảm ATGT”; tổ chức 3 lớp tập huấn đào tạo 210 tuyên truyền viên; các cấp Hội đã phối hợp, lồng ghép 125 buổi tuyên truyền về pháp luật ATGT; truyền tải thông điệp "Tính mạng con người là trên hết” cho trên 7.159 cán bộ, hội viên nông dân; kết hợp phát 3.400 tờ rơi, 356 cuốn tài liệu về tham gia bảo đảm trật tự ATGT trong xây dựng nông thôn mới...
Ông Nguyễn Công Lợi, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Trọng tâm của hoạt động tuyên truyền do Hội triển khai tập trung vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, tuân thủ quy định về tốc độ; không chở quá số người quy định; thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy; tham gia bảo đảm an toàn hành lang đường sắt, đường bộ đối với khu vực nông thôn… Qua đó, hạn chế các nguy cơ xảy ra TNGT, góp phần bảo đảm trật tự ATGT”.
Bên cạnh triển khai rộng khắp các hoạt động tuyên truyền, các cấp Hội cũng tập trung xây dựng các mô hình nông dân với ATGT. Tính riêng trong năm 2017, Hội đã xây dựng 3 mô hình "Nông dân với ATGT” tại thị trấn Cổ Phúc, xã Đào Thịnh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên; 3 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật” tại xã Thịnh Hưng, xã Phúc An, huyện Yên Bình; xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; 18 tổ tự quản, đoạn đường ATGT tại các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên; thành lập 3 tổ tự quản, đoạn đường ATGT tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên. Đặc biệt, mô hình "Nông dân tham gia bảo đảm ATGT tại điểm giao cắt đường bộ với đường sắt” tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả và duy trì tốt.
Ngoài nhiệm vụ tổ chức cảnh giới tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong các khung giờ cao điểm và thực hiện cảnh giới, bảo đảm an toàn tại các thời điểm khác khi được UBND xã yêu cầu, tổ tự quản thường xuyên tổ chức phát quang, mở rộng tầm nhìn tại các điểm giao cắt, hành lang đường sắt thuộc thôn 1, 2; đồng thời, thực hiện tuyên truyền cho nhân dân các quy định về bảo đảm trật tự ATGT tại điểm giao cắt và khu vực ven đường sắt.
Ngoài ra, năm 2017, các hội viên nông dân đã đóng góp 22.169 ngày công, ủng hộ 621 triệu đồng để duy tu, bảo dưỡng, làm mới 198km đường giao thông liên thôn cùng 18 cầu cống dân sinh. Riêng tại huyện Mù Cang Chải, được Ban ATGT tỉnh phân công phụ trách đầu năm 2017, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện chủ động tham mưu, nhận phần việc tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.
Qua đó, Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải đã phát động hội viên 9/14 xã ra quân đóng góp 3.857 ngày công làm mới, tu sửa 37,25km đường nông thôn (ước tính trị giá 495 triệu đồng); đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT trên công trường cho 625 hội viên nông dân.
Với nhiều giải pháp tuyên truyền, thời gian qua, các cấp Hội nông dân đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của đông đảo hội viên; tình hình TNGT tại khu vực nông thôn được kiềm chế; các hành vi vi phạm cũng có xu hướng giảm; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được tu sửa, nâng cấp kịp thời, tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông; các mô hình tự quản cũng được duy trì hiệu quả, giúp nhân dân tham gia giao thông thuận tiện, an toàn.