Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông tiếp tục gia tăng cả về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương.
Vụ TNGT trên quốc lộ 3 giữa xe khách và xe ô tô tải khiến 18 người bị thương
Năm 2018 tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông từ 5% - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương; giảm tỷ lệ thương, vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2017. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, theo thống kê của ngành chức năng, toàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 07 người, bị thương 37 người. Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng cao cả 3 tiêu chí so với năm 2017, cụ thể: tăng 11 vụ tai nạn, tăng 3 người chết, tăng 26 người bị thương. Số vụ tai nạn giao thông đường bộ đang gia tăng trên địa bàn ngoài đô thị (khu vực đường giao thông nông thôn), liên quan đến ô tô, xe máy.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, sở dĩ tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp trong quý I là do trùng với khoảng thời gian trước, trong, sau Tết Nguyên đán và dịp lễ hội xuân. Những thời điểm này lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông tăng vẫn là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn yếu kém.
Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ thường xuyên diễn ra, đặc biệt là khu vực ngoài đô thị và nông thôn chủ yếu là: lái xe trong tình trạng vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm... Điều này thể hiện qua con số vi phạm trật tự an toàn giao thông, chỉ trong 3 tháng đầu năm lực lượng công an toàn tỉnh phát hiện trên 2.100 trường hợp vi phạm, tổng số tiền phạt hành chính thu nộp ngân sách nhà nước là 935 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 193 xe mô tô, 29 xe ô tô, tước giấy phép lái xe có thời hạn 127 trường hợp vi phạm...
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh,công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn hạn chế về hiệu lực chỉ đạo, một số địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức và lực lượng tổ chức thực thi công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn ngoài đô thị, vẫn còn tâm lý nể nang trong những ngày lễ, tết của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn từ 5% - 10%, trong thời gian tới Ban an toàn giao thông tỉnh yêu cầu các cơ quan thành viên và Ban an toàn giao thông các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2018. Đặc biệt là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đảm bảo TTATGT. Đưa công tác đảm bảo TTATGT là một tiêu chí đánh giá cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị trong công tác đảm bảo TTATGT.
Hiểm họa về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên toàn tỉnh còn đáng lo ngại, tai nạn giao thông chưa thể kiềm chế. Làm gì để kéo giảm bền vững tai nạn giao thông trên địa bàn đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong công tác chỉ đạo, quản lý từ các cấp, ngành chức năng. Quan trọng hơn là phải thay đổi ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng có lẽ mới là giải pháp hữu hiệu nhất.