Các tuyến đường ở tỉnh Lào Cai chủ yếu là đường cấp IV, cấp V miền núi với nhiều đèo, dốc, ta luy và đi qua các khu vực có địa hình, địa chất phức tạp. Vào mùa mưa lũ, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra lũ lớn, nhất là lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất, ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn các tuyến giao thông luôn được ngành giao thông vận tải và các địa phương trong tỉnh chú trọng.
Công tác bảo trì, bảo dưỡng đường được các đơn vị thực hiện thường xuyên
Trong tháng 8 năm 2017, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, tuyến đường vào xã Nậm Chạc (Bát Xát) bị sạt lở 4 vị trí. Dù sạt lở không gây thiệt hại về người, nhưng gây ách tắc giao thông, chia cắt xã Nậm Chạc với các khu vực khác trong nhiều ngày. Ông Tô Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát cho biết: Đoạn đường này dài gần 200 m, nằm cạnh suối, nên mỗi khi có mưa lớn, nước xoáy thường bị sạt sụt, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Huyện đã đầu tư 300 triệu đồng để gia cố ta luy, làm kè chống sạt lở giúp người dân địa phương lưu thông thuận lợi hơn trong mùa mưa lũ sắp tới.
Đánh giá chung tình hình giao thông trên địa bàn huyện, ông Thanh cho biết thêm: Năm 2017, do mưa lớn kéo dài cộng với cấp đường thấp (chủ yếu là cấp V miền núi), nên hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện bị sạt lở ở mức độ khác nhau và hỏng nền đường, rãnh thoát nước. Một số tuyến đường đã hỏng nặng như Tỉnh lộ 158, Tỉnh lộ 155, đường vào xã Nậm Chạc, đường Mường Hum - Dền Sáng, đường tuần tra biên giới và nhiều tuyến đường thuộc các xã quản lý.
Thực tế giao thông ở huyện Bát Xát là minh chứng cho hiện trạng giao thông chung của các huyện vùng cao trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 6 tuyến quốc lộ, cao tốc chạy qua, là: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 70, Quốc lộ 4E, Quốc lộ 4D, Quốc lộ 279, Quốc lộ 4, với tổng chiều dài 527 km. Bên cạnh các tuyến quốc lộ, Lào Cai có 16 tuyến tỉnh lộ, với tổng chiều dài 957 km; trên 7.000 km đường huyện, đường xã, đường nông thôn. Nhiều điểm giao thông cấu tạo địa chất, khả năng kết dính không cao do nguồn nước ngầm, ta luy chưa được kiên cố, nên khi mưa nhiều thường xảy ra sạt lở đất, đá, gây nguy hiểm cho người, cản trở phương tiện giao thông. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, mùa mưa lũ năm 2017, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm điểm sạt lở tại các tuyến đường, gây thiệt hại trên 46 tỷ đồng.
Để giảm nhẹ thiệt hại và đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ năm 2018, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành giao thông vận tải đã chủ động ứng phó với nhiều biện pháp tích cực. Sở Giao thông vận tải lập phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Nhiều hoạt động cụ thể đã được thực hiện, như chủ động rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở cao dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong mùa mưa lũ để cảnh báo cho nhân dân, chính quyền địa phương; khơi thông cống, rãnh thoát nước, phát cây, dọn cỏ, vá ổ gà, xử lý sình lầy nền, mặt đường, sửa chữa những điểm hư hỏng trước mùa mưa lũ; có kế hoạch chuẩn bị vật tư (rọ thép, đá hộc…), phương tiện để ứng phó kịp thời khi xảy ra tắc đường. Phương châm chỉ đạo của ngành giao thông vận tải là khi xảy ra ách tắc thì ưu tiên đảm bảo giao thông đường từ tỉnh về trung ương, tiếp đến là đường tới các tỉnh bạn và thông đường từ tỉnh tới các địa phương trên địa bàn.
Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai là đơn vị chủ lực trong công tác khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Đơn vị được giao quản lý, bảo trì 2 tuyến quốc lộ, 16 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài trên 800 km. Ông Cù Ngọc Chung, Giám đốc Công ty cho biết: Vào mùa mưa lũ, các tuyến giao thông do công ty quản lý có nguy cơ cao bị ảnh hưởng do sạt lở đất, đá và lũ quét.
Do vậy, từ kế hoạch chung của Sở GTVT, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về phòng, chống bão lũ và bảo đảm giao thông. Theo đó, các hạt quản lý đường bộ phải bố trí nhân lực, phương tiện túc trực để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Bắt đầu vào mùa mưa lũ, các đơn vị phân công trực 24/24h hằng ngày. Đặc biệt, công tác tuần tra thực hiện thường xuyên, tổ chức cắm biển cảnh báo và phân công người cảnh giới hai đầu đường tại vị trí giao thông có nguy cơ sạt lở lớn. Cùng với đó, các hạt quản lý đường bộ dự phòng đá hộc, rọ thép, máy cưa cắt cây và đảm bảo sẵn sàng huy động các phương tiện (máy ủi, máy xúc, ô tô tải) để ứng phó với các tình huống xảy ra, nhằm sớm khắc phục sự số, đảm bảo giao thông thông suốt.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ, ngay từ đầu năm 2018, các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện vùng cao, cũng đã chỉ đạo các xã rà soát và có kế hoạch bảo dưỡng các tuyến đường nông thôn. Hầu hết các tuyến đường xã, đường thôn được ký hợp đồng giao khoán với các thôn, đoàn thể để bảo dưỡng. Đối với những vị trí, tuyến đường thường xuyên xảy ra sạt lở, UBND các huyện đã xây dựng kế hoạch, biện pháp chủ động phòng, chống và đề ra phương án khắc phục khi có sự cố xảy ra.
Mùa mưa bão năm 2018 đang đến gần, dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Với sự chuẩn bị và các phương án dự phòng của ngành giao thông vận tải và các địa phương, hy vọng, những tuyến đường trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo thông suốt, an toàn, giảm tối đa thiệt hại, ách tắc khi có sự cố xảy ra.