Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại do tai nạn gây ra trên tuyến đường thủy nội địa địa phương, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai rộng rãi cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”...
Tuyến đường thủy nội địa địa phương đầu tiên của tỉnh vừa được công bố tại Quyết định số 4547/QĐ-UBND ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh. Với chiều dài gần 29,2km, tuyến đường thủy nội địa sông Năng - hồ Ba Bể chia thành 2 nhánh và 4 bến tạm (bến bờ Bắc, bến Buốc Lốm, bến bờ Nam, bến Kéo Slưu) phục vụ dân sinh và khách du lịch. Toàn tỉnh hiện có gần 200 thuyền máy được kiểm định điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Đây là phương tiện thủy nội địa chính lưu thông trên sông nước và hoạt động vận tải chuyên chở khách du lịch tại hồ Ba Bể.
Khách du lịch tham quan hồ Ba Bể bằng thuyền máy
Ngoài thuyền máy, người dân địa phương thường sử dụng thuyền sắt, thuyền gắn máy công suất nhỏ, thuyền độc mộc đi lại giữa hồ Ba Bể, dọc sông Năng để đi làm nương rẫy, chở thóc lúa, nông sản, đánh bắt cá... Tại hồ Khuổi Khe (Na Rì) và nhiều khu vực thuộc sông Cầu, thậm chí người dân còn tự chế tạo những chiếc bè, mảng đơn sơ, thiếu an toàn làm phương tiện lưu thông trên sông nước. Đáng chú ý là những loại hình này đều mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể nên khó khăn trong quản lý. Trong khi đó, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy còn chưa cao. Mùa mưa bão năm 2017 đã xảy ra 2 vụ lật thuyền, đuối nước trên sông Năng khiến 2 người dân địa phương thiệt mạng.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, ngay từ đầu năm 2018 lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải đã phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện Ba Bể tổ chức kiểm tra rà soát các phương tiện thủy tham gia hoạt động chở khách, yêu cầu các phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật mới cho phép hoạt động. Kết quả trong thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy ổn định. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy còn nhiều hạn chế... Trên thực tế còn diễn ra thường xuyên tình trạng khách du lịch ngồi trên thuyền máy nhưng không mặc áo phao, người dân địa phương khi sử dụng thuyền gắn máy hay những phương tiện khác tham gia giao thông đường thủy mà không hề trang bị dụng cụ nổi cứu sinh.
Triển khai kế hoạch năm 2018, Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Nội dung cuộc vận động là thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý vi phạm về tuyến đường thủy nội địa địa phương; vận động nhân dân và khách tham quan du lịch chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thủy.
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tạo thói quen ứng xử có văn hóa, tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, tạo môi trường giao thông đường thủy văn minh, thân thiện. Phát động phong trào thực hiện cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tại các bến thủy nội địa, cụm dân cư sinh sống trên và ven sông, hồ, các tổ chức cá nhân hành nghề đường thủy nội địa như khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản... Khảo sát, lựa chọn và tiếp tục nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy”... Thực tế cho thấy, việc xây dựng ý thức văn hóa giao thông, từng bước hình thành thói quen ứng xử văn minh lịch sự, đặt sự an toàn lên hàng đầu chính là biện pháp hiệu quả nhất để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.