Theo kế hoạch của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong năm 2018 và Quý I/2019, các đơn vị thành viên sẽ tập trung triển khai thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe trên phạm vi toàn tỉnh. Sẽ có 3 đợt ra quân cao điểm xử lý tình trạng này nhằm mục đích kéo giảm các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu, bia.
Lực lượng CSGT tổ chức kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới
Theo kế hoạch, các đợt cao điểm được tổ chức vào thời gian như sau: Đợt 1 từ ngày 16/4 đến ngày 15/5/2018; đợt 2 từ ngày 16/8 đến ngày 15/9/2018 và đợt 3 từ ngày 16/12/2018 đến ngày 15/2/2019.
Có thể nói thời gian qua tình hình TNGT trong toàn tỉnh có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là TNGT liên quan đến rượu, bia. Trước tình hình này, Ban ATGT tỉnh ban hành kế hoạch về việc “Tuyên truyền và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2018 và dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2019” đã thể hiện sự quyết tâm của Ban ATGT nhằm kéo giảm TNGT, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, mục đích của kế hoạch này nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu bia thì không lái xe” của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người chạy xe…
Thực tế hiện nay tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này không những gây ảnh hưởng đến bản thân người điều khiển xe mà ảnh hưởng đến những người xung quanh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xử lý. Phát biểu tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I và triển khai phương hướng Quý II/2018 được tổ chức hồi trung tuần tháng 4/2018, Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh đã nêu lên vấn đề này. Theo Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, một số tình huống lực lượng CSGT gặp phải khi xử lý người điều khiển phương tiện giao thông là không hợp tác, có thái độ chống đối. Có trường hợp khi bị CSGT phát hiện có sử dụng rượu bia thì tài xế đóng cửa xe ô tô bỏ đi; có trường hợp dùng điện thoại quay clip đưa lên mạng… Cũng theo Thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, qua công tác tuần tra kiểm soát phát hiện các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khá cao, tuy nhiên khi áp dụng kinh nghiệm quốc tế về công tác xử lý thì tỷ lệ phát hiện thấp. Cụ thể là có đợt ra quân kiểm tra 2.655 trường hợp nhưng chỉ phát hiện 15 trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong tháng 4/2018 (từ ngày 16/3 đến 15/4) TNGT trong toàn tỉnh xảy ra 113 vụ, tăng 36 vụ (tương đương 46,75 %). Trong đó TNGT từ nghiêm trọng trở lên là 25 vụ, (tăng 15 vụ (150%), chết 25 người, tăng 16 người (tương đương 177,7%) so với cùng kỳ. Theo phân tích, đánh giá, nguyên nhân xảy ra tai nạn phần lớn là do người điều khiển xe mô tô chạy quá tốc độ, người điều khiển ô tô không chú ý quan sát gây tai nạn… Trong số 25 vụ TNGT dẫn đến chết người thì tai nạn liên quan đến xe ô tô 5 vụ, liên quan đến mô tô là 20 vụ. Cả 25 vụ tai nạn dẫn đến chết người trên đều do nam giới gây ra, trong đó lứa tuổi phổ biến là 27-40 tuổi (14 vụ).
Từ những số liệu trên có thể thấy một bộ phận thanh niên chưa chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông, thậm chí có người tham gia giao thông trong tình trạng đã uống rượu, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Trước thực trạng này, việc tăng cường công tác tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ là một việc làm cấp thiết, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, đoàn thể cũng như sự hưởng ứng của người dân.