Trước thực trạng hoạt động của xe đưa đón công nhân còn nhiều bất cập, cuối tháng 5/2018, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm xe đưa đón công nhân tại các khu công nghiệp (KCN): Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám (Việt Yên). Ngay trong những ngày đầu ra quân, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Tổ công tác của Đội Thanh tra (Sở GTVT) làm nhiệm vụ
tại đoạn đường gom khu công nghiệp Vân Trung
16 giờ 30 phút, ngày 31/5, cán bộ Đội Thanh tra giao thông số 4 (Thanh tra Sở GTVT) tuần tra tại quốc lộ 37 đoạn qua KCN Đình Trám. Tại đây, nhiều trường hợp xe đưa đón công nhân vi phạm đã bị xử phạt. Cụ thể như ô tô BKS 98B-014.61 của nhà xe Trường Khải, xã Quang Thịnh (Lạng Giang), tại thời điểm kiểm tra không có danh sách hành khách theo hợp đồng. Lái xe Đỗ Trọng Tỏ phân trần: "Do gần đây mới nắm được thông tin về đợt cao điểm nên tôi chưa kịp hoàn thiện các thủ tục vận chuyển". Theo tổ công tác thì lý do trên là không thỏa đáng, bởi danh sách hành khách là một trong những thủ tục bắt buộc đối với các phương tiện vận tải theo hợp đồng. Với lỗi này, người vi phạm bị phạt 1,5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe hai tháng.
Trước đó, tại tuyến đường này, Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Việt Yên) xử phạt tài xế Dương Văn Thành ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) điều khiển xe ô tô BKS 20B-016.98 vận chuyển 42 công nhân. Khi kiểm tra không có giấy phép lái xe, đăng ký xe và giấy chứng nhận kiểm định. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định.
Không thể phủ nhận, dịch vụ đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhanh chóng và đem lại lợi ích cho nhiều người lao động. Tuy vậy, hoạt động này còn tiềm ẩn nguy hiểm cho hành khách và người tham gia giao thông bởi phương tiện hầu hết đã cũ, thậm chí hết hạn kiểm định nhưng vẫn đón khách dọc đường, chở quá số người, đậu đỗ không đúng nơi quy định...
Để ngăn ngừa vi phạm, Sở GTVT tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm xe đưa đón công nhân tiến hành trong một tháng, bắt đầu từ ngày 25/5 đến 25/6/2018. Nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả, các đơn vị chức năng đã quan tâm chỉ đạo, bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Đơn cử như Thanh tra Sở GTVT đã điều động thêm ba Đội thanh tra thường xuyên tại những khu vực có hoạt động đón, trả công nhân như: Tuyến Quốc lộ 37 đoạn qua Đình Trám và cầu vượt đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang; các đường gom ở KCN Vân Trung, Quang Châu. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường tuần tra trên các tuyến đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, Quốc lộ 1, 31, 17, 37, đường tỉnh 295B, 292...
Thống kê của Thanh tra Sở GTVT, trong tuần đầu thực hiện kế hoạch (từ ngày 25 đến 31/5), các tổ công tác đã xử phạt 54 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 115 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Xe không có phù hiệu hoặc phù hiệu không do cơ quan có thẩm quyền cấp; vận chuyển hành khách theo hợp đồng không mang theo danh sách hành khách; không có hợp đồng vận chuyển; xe không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường...
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên nói: “Xác định là địa bàn trọng điểm của đợt tổng kiểm tra, UBND huyện đã chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Kế hoạch. Cùng đó, yêu cầu Đội Quản lý trật tự giao thông - Xây dựng - Môi trường, cảnh sát giao thông Công an huyện bố trí 100% quân số cùng phối hợp với lực lượng của tỉnh để kiểm tra, xử lý”.
Trực tiếp tham gia xử lý vi phạm nhiều phương tiện, anh Nguyễn Văn Tài, Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 4 (Thanh tra Sở GTVT) nói: "Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tổ công tác gặp không ít khó khăn do một số đối tượng vi phạm không hợp tác hoặc tài xế khi gặp các chốt kiểm tra thường gọi điện thông báo cho nhau để né tránh". Ví dụ như xe ô tô BKS 98B-015.82 của nhà xe Năm Bền ở xã Bảo Sơn (Lục Nam) bị xử phạt ngày 30/5. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy phép lái xe. Điều đáng nói là xe bị tổ công tác ra hiệu lệnh dừng để kiểm tra từ 6 giờ sáng nhưng với rất nhiều lý do bao biện, phải hơn 1 tiếng sau tài xế mới chịu ký vào biên bản.
Qua thống kê, toàn tỉnh hiện có 30 đơn vị với gần 500 phương tiện đưa đón người lao động. Hình thức vận chuyển gồm: Doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; sử dụng xe nội bộ; các nhóm công nhân cùng địa bàn, tuyến đường chung nhau thuê xe đưa đón...
Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi kết thúc đợt cao điểm kiểm tra, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục duy trì, kiểm tra, xử lý vi phạm thường xuyên. Tuy nhiên, về lâu dài, Ban Quản lý các KCN tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp quan tâm tổ chức dịch vụ vận tải đưa đón công nhân. Các doanh nghiệp, người lao động kiên quyết không ký hợp đồng vận chuyển hành khách đối với các đơn vị vận tải không bảo đảm điều kiện theo quy định.