Trong hệ thống giao thông đường thủy nội địa ở Yên Bái, ngoài hồ Thác Bà rộng lớn còn có hệ thống đường sông với tổng chiều dài gần 200 km, trong đó sông Hồng khoảng 115 km, sông Chảy khoảng 83 km với hàng trăm phương tiện hoạt động vận tải chở khách và hàng hóa.
Vì bình yên sông nước tại Yên Bái (Ảnh minh họa)
Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy được bảo đảm và duy trì ổn định. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ thời gian gần đây cũng như nhận thức của một bộ phận người dân về Luật Giao thông đường thủy nội địa còn hạn chế nên các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền và tuần tra, xử lý các vi phạm.
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng công an đã thực hiện 70 ca tuần tra, kiểm soát, phát hiện 257 trường hợp vi phạm, tạm giữ 23 phương tiện, phạt tiền nộp ngân sách trên 63 triệu đồng.
Ngoài ra, lực lượng công an tỉnh thường xuyên phối hợp với các địa phương có đường thủy tiến hành kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, phương tiện và người điều khiển phương tiện về thủ tục giấy tờ, trang thiết bị, an toàn kỹ thuật phương tiện và việc chấp hành các quy định về TTATGT đường thủy nội địa. Nhờ đó, tình hình ATGT đường thủy tiếp tục bảo đảm, không xảy ra TNGT.
Hiện nay, trong hệ thống giao thông đường thủy nội địa ở Yên Bái, ngoài hồ Thác Bà rộng lớn còn có hệ thống đường sông với tổng chiều dài gần 200 km, trong đó sông Hồng khoảng 115 km, sông Chảy khoảng 83 km.
Trên các tuyến trọng điểm này có hàng trăm phương tiện hoạt động vận tải chở khách và hàng hóa. So với nhiều nơi, lượng phương tiện này không nhiều nhưng do các tuyến đường thủy của tỉnh chủ yếu vẫn ở trạng thái tự nhiên, vào mùa mưa lũ, mực nước dâng nhanh, vận tốc dòng chảy lớn hình thành rất nhiều xoáy nước.
Ngược lại, về mùa cạn, mực nước xuống rất thấp, nhiều bãi cạn, bãi bồi đã trở thành những chiếc bẫy các phương tiện qua lại. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông đường thủy chưa hoàn thiện, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện còn thấp nên nguy cơ xảy ra TNGT rất cao, đặc biệt vào mùa mưa, bão.
Do vậy, để bảo đảm ATGT đường thủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương. Trên cơ sở đó, các ngành tăng cường lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và hướng dẫn người điều khiển phương tiện thực hiện các quy định của pháp luật về giao thông đường thủy; thực hiện các chuyên đề về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, an toàn đò ngang và duy trì hiệu quả của các tổ tự quản trên các tuyến sông, hồ; phối hợp với trạm quản lý đường sông, các phòng ban chức năng để kiểm tra, nhắc nhở các bến đò ngang thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường thủy nội địa, ký cam kết với các chủ đò, lái đò về bảo đảm các biện pháp an toàn như: trang bị áo phao, không chở quá số người quy định.
Bên cạnh đó, công tác tuần tra, kiểm soát cũng được duy trì thường xuyên, nhất là các bến đò ngang sông, bến khách đường thủy nội địa. Cụ thể, ngành giao thông vận tải tổ chức rà soát lại các cảng, bến thủy nội địa các cụm dân cư sinh sống trên luồng hoặc trong hành lang bảo vệ luồng đường thủy; các cá nhân, tổ chức hành nghề trên đường thủy, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến đường thủy.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với các địa phương có đường thủy tiến hành kiểm tra hoạt động của các bến đò ngang, phương tiện và người điều khiển phương tiện về thủ tục giấy tờ, trang thiết bị, an toàn kỹ thuật phương tiện và việc chấp hành các quy định về TTATGT đường thủy nội địa…