Chiều ngày 31/7, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 về công tác đảm bảo trật tự ATGT và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 27 vụ TNGT, làm chết 28 người, làm bị thương 15 người, gây thiệt hại khoảng 930 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2017, tăng 5 vụ, tăng 1 người chết, tăng 10 người bị thương. Trong đó, 4 địa phương để tăng số vụ cao nhất tỉnh là huyện Đắk R’lấp (tăng 4 vụ, 4 người chết); thị xã Gia Nghĩa (tăng 1 vụ, 1 người chết); huyện Tuy Đức (tăng 2 vụ, 1 người chết); huyện Cư Jút) tăng 1 vụ). Về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt trên 20.600 trường hợp. Ra quyết định xử phạt và nộp Kho bạc Nhà nước trên 10 tỷ đồng, tước 1.600 Giấy phép lái xe các loại.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người dân chưa cao như: Đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát, sử dụng nồng độ cồn khi lái xe, chở quá số người quy định... Bên cạnh đó, một phần là do một số tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, xuống cấp, hành lang ATGT bị lấn chiếm, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải cũng là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn gia tăng.
Ông Cao Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Nông
phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chủ trì hội nghị, ông Cao Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT tỉnh Đắk Nông phát biểu chỉ đạo: “Trong 6 tháng cuối năm, để ngăn ngừa và không để tình hình tai nạn diễn biết phức tạp thêm, từng bước kéo tai nạn, Sở GTVT tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tại, thường xuyên thanh kiểm tra, giám sát, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách không đảm bảo an toàn về kỹ thuật. Đồng thờI, tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch lái xe, phối hợp với các ngành, địa phương rà soát các “điểm đen”, điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn để đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời.
“Đối với lực lượng công an, cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm tại các tuyến đường thường xảy ra tai nạn, những địa bàn phức tạp về trật tự ATGT. Đồng thời, tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường bộ. Đối với Sở Giáo dục, Y tế, Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các thành viên, cần quan tâm, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên, nhân dân trên toàn địa bàn. Trong đó, cần có giải pháp tuyên truyền đa dạng, phong phú như chiếu phim, hình ảnh, nhằm tác động mạnh để người dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, đường thủy. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn cần tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân bị TNGT, tránh trường hợp xảy ra thương vong không đáng có. UBND các huyện, thị nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực thi giữ gìn trật tự ATGT”, ông Cao Huy nhấn mạnh.