Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người tử vong và bị thương. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do TNGT đường bộ, nhất là những tai nạn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, tính đến hết tháng 7 năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ TNGT, trong đó, 17 vụ TNGT đường bộ, 1 vụ TNGT đường thủy, làm chết 17 người và bị thương 10 người. So với cùng kỳ năm 2017, tình hình TNGT giảm ở cả 3 tiêu chí, giảm 1 vụ, giảm 2 người chết và giảm 10 người bị thương.
Điển hình, khoảng 15 giờ 45 phút, ngày 5/7/2018, tại Quốc lộ 2 đoạn giao với ĐT.304 qua địa bàn xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) xảy ra vụ TNGT giữa xe ô tô BKS: 88C- 079.49 do anh Nguyễn Kiên Cường, sinh năm 1988, trú tại xã Ngọc Mỹ (Lập Thạch) điều khiển theo hướng thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đi thành phố Vĩnh Yên với xe mô tô BKS: 90B1- 031.82 do anh Lê Trọng Tuấn, sinh năm 1997, trú tại xã An Ninh, huyện Bình Lục (Hà Nam) điều khiển theo hướng ĐT.304 từ thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) ra Quốc lộ 2, trên xe chở theo anh Nguyễn Văn Thăng, sinh năm 1998 và anh Hà Đức Huy, sinh năm 1999 đều trú tại xã An Nội, huyện Bình Lục (Hà Nam). Do va chạm mạnh giữa xe mô tô và xe ô tô khiến anh Huy và anh Thăng tử vong tại chỗ; anh Tuấn bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.
(Ảnh minh họa)
Khi nhận được thông tin vụ tai nạn, các lực lượng chức năng huyện Vĩnh Tường, Công an tỉnh đã kịp thời tổ chức bảo vệ hiện trường, phân luồng, điều tiết giao thông; tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân khiến TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra là do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao; phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế; lực lượng và thiết bị phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát còn thiếu.
Tình trạng tái lấn chiếm hành lang ATGT, lấn chiếm vỉa hè ở các huyện, thành phố để sử dụng vào mục đích cá nhân của các gia đình còn diễn ra phổ biến. Việc xử lý vi phạm về trật tự ATGT của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh do lực lượng mỏng, trang thiết bị phương tiện thiếu…
Nhằm tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT, hạn chế thấp nhất thiệt hại do TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây ra, Sở Giao thông vận tải đã xây dựng Kế hoạch số 1007/KH-SGTVT về ứng phó sự cố thiên tai, tai nạn giao thông đường bộ đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, yêu cầu Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông phối hợp với đơn vị chức năng thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ để giảm nguy cơ xảy ra biến cố lớn hoặc tai nạn giao thông nghiêm trọng trong mùa mưa bão; Phòng Quản lý vận tải phương tiện và Người lái đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để tăng cường giám sát xử lý vi phạm đối với chủ xe, lái xe vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT.
Thanh tra sở chủ trì, phối hợp với cảnh sát giao thông, Bộ Chỉ huy quân sự và chính quyền địa phương kiểm tra việc chấp hành đảm bảo ATGT, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa và hành khách không đủ điều kiện an toàn, người điều khiển không đủ chứng chỉ.
Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Thời gian tới, Sở GTVT tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; đặc biệt đối với xe ô tô chở hàng quá tải trọng trên các tuyến đường bộ. Tổ chức khảo sát, xử lý các điểm mất ATGT, bổ sung hệ thống biển báo hiệu; tăng cường biện pháp quản lý sửa chữa thường xuyên công trình cầu, đường bộ...