Để tăng cường bảo đảm trật tự ATGT, bảo vệ hệ thống đường nông thôn, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương phải nâng cao trách nhiệm quản lý, tăng cường xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, tăng cường phối hợp xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải ở địa bàn nông thôn.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an tỉnh) kiểm tra, xử lý xe quá tải tại địa phận huyện Vụ Bản.
Thời gian qua, Sở GTVT, Công an tỉnh và các ngành chức năng đã duy trì thường xuyên nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các vi phạm xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng. Trong đó, đã tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về chở hàng hóa, xếp hàng hóa, các hình thức xử phạt đối với vi phạm chở quá tải, cơi nới thành thùng, không chở hàng vượt quá kích thước thùng xe... Phối hợp với các huyện, thành phố tiến hành rà soát các doanh nghiệp vận tải; yêu cầu chủ phương tiện, chủ xe, lái xe ký cam kết không chở quá tải, cơi nới thành thùng hàng, không chở hàng vượt quá kích thước thùng xe; đồng thời xử lý trách nhiệm với các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm cam kết. Chỉ đạo phòng chức năng siết chặt công tác thẩm định thiết kế cải tạo xe cơ giới, nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện trên địa bàn, bảo đảm tất cả các phương tiện khi thực hiện kiểm định chất lượng kỹ thuật và khi lưu hành phải giữ nguyên kết cấu thành, thùng xe theo thiết kế. Công an tỉnh, Thanh tra giao thông và các Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát xe quá tải theo chế độ 3 ca/ngày. Bản thân các huyện cũng nỗ lực nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại tình trạng xe quá tải hoạt động tại các tuyến giao thông nông thôn, vẫn còn tình trạng các xe quá tải chở tới hàng trăm tấn xi măng, hàng chục khối gỗ thường xuyên hoạt động vào ban đêm. Tình trạng xe chở hàng quá tải hoạt động khiến nhiều tuyến đường nông thôn xuống cấp nhanh, giảm tuổi thọ. Theo phản ánh của Phòng Công thương huyện Ý Yên, nhiều tuyến giao thông trục huyện và đường đê bị hư hỏng, xuống cấp nhanh do xe quá tải. Riêng đối với tuyến Quốc lộ 37B và đường huyện 57B thuộc các tuyến giao thông chính từ Thành phố Nam Định vào địa bàn huyện Ý Yên vẫn tồn tại tình trạng ô tô tải thường xuyên chuyên chở vật liệu xây dựng quá tải, xe tải chở đất san lấp phục vụ các công trình trên địa bàn huyện. Để giải quyết thực trạng trên, các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trong đó có tuyến Quốc lộ 37B và huyện lộ 57B. Tuy nhiên, hiện nay, do tuyến Quốc lộ 37B và huyện lộ 57B có mặt đường nhỏ (chỉ có 2 làn xe) nên việc triển khai các biện pháp kiểm soát tải trọng của Trạm kiểm tra tải trọng lưu động còn khó khăn vì lý do không đảm bảo ATGT.
Thời gian tới, bên cạnh việc tập trung xử phạt các hành vi vi phạm theo quy định, các ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, yêu cầu các chủ phương tiện, chủ xe, lái xe ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải, các xe chở vật liệu phải được che phủ, không để rơi vãi vật liệu xuống đường gây mất ATGT. Tiếp tục triển khai, hoàn thành lộ trình cấp phù hiệu kinh doanh vận tải hàng hóa theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ từ ngày 1/7/2018, qua đó tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, vận tải hàng hóa.
Các địa phương nâng cao tinh thần chủ động, phát huy sức mạnh phối hợp của toàn dân trong phát hiện, tố cáo, đẩy mạnh xử lý vi phạm trên địa bàn được phân cấp theo thẩm quyền. Tiêu biểu như huyện Vụ Bản đang đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an huyện với các cơ quan, ngành, UBND các xã, thị trấn trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy định về tải trọng xe và tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, quá khổ. Phòng Công thương huyện chủ trì rà soát, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn lắp đặt khung hạn chế tải trọng tại các tuyến đường quy định; thường xuyên kiểm tra việc quản lý các khung hạn chế tải trọng của các xã, thị trấn; tham mưu UBND huyện đề xuất Sở GTVT không cấp lốt cho các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định trên các tuyến giao thông qua địa bàn có chiều cao vượt quá giới hạn khung hạn chế tải trọng.
Các xã còn phối hợp với Phòng Công thương tổ chức ký cam kết với lái xe, chủ xe tải, chủ bến, bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn không vi phạm chở, xếp hàng quá tải, quá khổ; lập danh sách các xe ô tô tải, các bến, bãi vật liệu xây dựng trên địa bàn gửi về Ban ATGT huyện để theo dõi, quản lý. Để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về chở hàng quá tải trọng, quá khổ, Công an huyện chủ động bố trí lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm soát các tuyến đường trên địa bàn được phân cấp theo thẩm quyền; chủ động thay đổi khung giờ và bố trí tuần tra cả vào buổi trưa, ban đêm; chủ động sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cơ bản và tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở, người dân nắm tình hình các tuyến đường có nhiều xe quá khổ, quá tải chạy qua./.