Bến Tre: Tập trung phối hợp tuyên truyền về an toàn giao thông

Thứ sáu, 07/09/2018 09:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, lực lượng công an trong tỉnh Bến Tre đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, 9 tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 191 vụ TNGT đường bộ, làm chết 150 người, bị thương 94 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 326 triệu đồng.

Tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè còn xảy ra làm cản trở
giao thông trên đường Phan Đình Phùng, phường Phú Khương (TP. Bến Tre)

Trong các vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, các cơ quan chức năng đã xác định rõ nguyên nhân 68 vụ. Trong đó, nguyên nhân chính dẫn đến TNGT chủ yếu là các lỗi vi phạm: đi không đúng phần đường quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tay lái, tránh vượt, chuyển hướng không đúng quy định, không đảm bảo khoảng cách an toàn, không nhường đường cho phương tiện lưu thông trên đường chính, đặc biệt có 37 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong thời gian học sinh, sinh viên bước vào năm học mới. Đồng thời, ngày nghỉ lễ, Tết nguyên đán 2019 kéo dài, có khả năng làm cho số lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên các tuyến đường, bến khách ngang sông, các bến du lịch nên nguy cơ ùn tắc giao thông xảy ra là rất cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, số người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn còn nhiều, tiềm ẩn nhiều yếu tố dẫn đến TNGT.

Để ổn định tình hình trật tự ATGT, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường bộ, đường thủy, mọi người cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT và trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, người xung quanh cùng thực hiện. Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân không thực hiện các hành vi dẫn đến TNGT như vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định; chạy lạng lách, đánh võng, xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi buôn bán, vi phạm điều kiện an toàn của các bến xe, bến tàu.

Tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa giao thông. Tuyên truyền, phổ biến tình hình và kết quả cụ thể các mô hình mới, gương điển hình trong đảm bảo trật tự ATGT. Có giải pháp thiết thực để các doanh nghiệp, cá nhân tham gia kinh doanh hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và thường xuyên giáo dục, nhắc nhở người lái xe không phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách.

Việc sử dụng rượu, bia sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Chất cồn vào cơ thể sẽ được hấp thu trên toàn tuyến tiêu hóa, sau đó đi thẳng vào máu và ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận khác. Cồn làm giãn các mạch máu, do đó người uống có cảm gác ấm khi uống vào. Nó được xem là chất ức chế hệ thần kinh trung ương. Rượu, bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu.

Người điều khiển xe cơ giới khi đã uống rượu, bia vào thì trong khoảng 6 phút sau, hệ thần kinh hưng phấn, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh lên não. Nếu nồng độ cồn/máu từ 160 - 200mg/dl thì phản xạ đã giảm, phản ứng của lái xe giảm từ 10 - 30%; nếu nồng độ cồn trong máu từ 200 - 300mg/dl thì điện não bị ức chế, ước tính sai khoảng cách và vận tốc, giảm sự nhạy bén trong quá trình quan sát, do đó thiếu kiểm soát dẫn tới vi phạm như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi không đúng phần đường, làn đường, không làm chủ tay lái, phán đoán sai, gây ức chế não, làm cho người lái xe ngủ gật dẫn đến TNGT.

kieuanh

Nguồn: Báo Đồng khởi

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)