Những năm qua, công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) học đường luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Kạn quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 75.400 học sinh bước vào năm học mới. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục và để đảm bảo ATGT trường học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường trong năm học mới tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật về ATGT ở mỗi cấp học cả trong chính khóa và ngoại khóa; có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, đồng thời đưa nội dung việc chấp hành ATGT vào đánh giá hạnh kiểm đối với học sinh và đánh giá thi đua hàng năm của nhà trường nếu có vi phạm.
Ý thức của nhiều học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành an toàn giao thông chưa cao
Thành phố Bắc Kạn hiện có 22 trường THCS, tiểu học và mầm non, với hơn 9.000 học sinh- số lượng học sinh tham gia giao thông nhiều nhất so với các địa phương khác trong tỉnh. Do đó, ngành Giáo dục thành phố luôn chú trọn triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT học đường, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ trong các năm học.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Chu Thị Loan cho biết: Trước khi bước vào năm học mới, trong dịp bồi dưỡng hè hàng năm, Phòng thường xuyên phối hợp với Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể giáo viên về những nội dung ATGT trường học. Theo đó, các nhà trường xây dựng lồng ghép nội dung tuyền truyền theo từng chủ đề, như đối với bậc mầm non, chủ đề trong tháng 9 là ATGT; THCS lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân; bậc tiểu học lồng ghép vào môn Đạo đức để giảng dạy. Cùng với đó, Phòng cử cán bộ duy trì kiểm tra, giám sát đối với các nhà trường về việc học sinh sử dụng phương tiện đến trường theo quy định.
Trường THCS Bắc Kạn năm học này có khoảng 1.000 học sinh, thầy giáo Trần Văn Đức- Phó Hiệu trưởng Phụ trách chia sẻ: Thực tế trong những giờ học chính khóa, có sự giám sát của nhà trường thì học sinh chấp hành rất nghiêm các quy định. Tuy nhiên, mỗi khi tan tầm, nhiều em thường không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang rất nguy hiểm. Để học sinh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật ATGT, ngoài các giải pháp của nhà trường, ngành chức năng, rất cần có sự chung tay của gia đình trong việc giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở con em mình. Như vậy mới hình thành thói quen, ý thức chấp hành luật của các em khi tham gia giao thông.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định rất rõ về đối tượng được sử dụng xe máy điện phải đủ từ 16 tuổi trở lên mới được tham gia giao thông. Tuy nhiên thực tế hiện nay còn nhiều học sinh THCS tham gia giao thông bằng xe máy điện; đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục các địa phương cần có sự phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ phía lực lượng cảnh sát giao thông trong việc xử lý vi phạm, gửi thông báo về các trường để có biện pháp giáo dục kịp thời.