Sau khi các công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát tích nước đi vào hoạt động, hệ thống giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu đi lại và đánh bắt thủy sản của người dân. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng chủ phương tiện không có chứng chỉ vận hành tàu thuyền; phương tiện không đăng kiểm, gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT).
Lực lượng Cảnh sát Giao thông, trật tư, cơ động - Công an huyện Than Uyên hướng dẫn người dân, chủ thuyền sử dụng áo phao tại bến Mường Cang, xã Mường Cang, huyện Than Uyên.
Những ngày này tại bến neo đậu thuộc bản Nà Tăm 1 (xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ) có rất nhiều thuyền gắn động cơ và thuyền chèo tay của bà con hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa đi các xã vùng thấp: Nậm Mạ, Căn Co, Nậm Hăn. Được biết, trên địa bàn xã Nậm Tăm hiện có hơn 50 phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa, chủ yếu là xuồng máy. Theo chia sẻ của các chủ thuyền, sau mưa lũ, một số tuyến đường ở các xã ở vùng thấp của huyện bị chia cắt, bà con lựa chọn đường thủy nên hoạt động trên sông vì thế nhộn nhịp.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông, trật tư, cơ động - Công an huyện Than Uyên hướng dẫn người dân, chủ thuyền sử dụng áo phao tại bến Mường Cang, xã Mường Cang, huyện Than Uyên.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tao Văn Phòng (bản Nậm Ngập 1) cho biết: “Từ khi lòng hồ Thủy điện Sơn La tích nước, gia đình tôi đầu tư đóng thuyền chở khách đi các xã để có thêm thu nhập. Tôi luôn cam kết chở đúng số người quy định và trang bị đầy đủ áo phao trên thuyền phòng khi có trường hợp xấu xảy ra. Ngoài ra, tôi thường xuyên kiểm tra hệ thống máy móc, thân thuyền đảm bảo an toàn trước khi vào vận hành trên sông”.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít các hộ thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa. Bởi, từ sáng sớm chúng tôi quan sát thấy rất nhiều chiếc thuyền di chuyển trên sông với các hoạt động khác nhau: đánh bắt cá, vận chuyển người, nông sản, hàng hóa. Đáng lo ngại là đa số thuyền gắn máy không đạt tiêu chuẩn (chủ yếu đóng theo ý thích), không trang bị phao cứu sinh. Đây chính là lí do gây khó khăn trong quản lý đảm bảo ATGT đường thủy cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn của các cơ quan chức năng, chính quyền xã.
Trường hợp anh Tao Văn Sỏ (bản Nậm Ngập 1) là một điển hình. Theo lời anh Sỏ thì người dân tại khu vực lòng hồ chủ yếu dùng thuyền nhỏ để đi lại, đánh bắt tôm cá, còn thuyền lớn chuyên chở người và xe môtô, hàng hóa. Chiếc thuyền này do gia đình tôi tự đóng dùng đánh bắt cá nên cũng chưa trang bị áo phao, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm khi đi sông nước từ nhỏ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 3 tuyến đường thủy nội địa gồm: sông Đà (dài 270km), sông Nậm Na (94km) và sông Nậm Mu (75km) thuộc các huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè, Than Uyên, Tân Uyên. Sau khi lòng hồ thủy điện tích nước, các phương tiện giao thông đường thủy phát triển mạnh lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó số phương tiện được đăng ký, đăng kiểm chỉ hơn 330 chiếc. Qua tìm hiểu của phóng viên, số phương tiện này được làm bằng sắt hoặc gỗ do người dân tự đóng dùng đi lại, sinh hoạt và phục vụ hoạt động sản xuất. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy cũng như gây khó khăn cho công tác quản lý tàu thuyền.
Điển hình là ngày 13/7/2018, trên tuyến đường thủy nội địa sông Đà đoạn km152+800 thuộc địa phận bản Phiêng Ban (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn) xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 3 người mất tích. Nguyên nhân do người điều khiển (không có chứng chỉ) chở thuyền gỗ nhỏ tự chế có gắn động cơ, phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm. Khi ấy, trên thuyền có khoảng 10 người (cả lái thuyền), 2 xe môtô và 40kg gạo, khi đến địa phận bản Phiêng Ban thì xảy ra tai nạn lật thuyền. Qua vụ việc có thể thấy, chủ thuyền chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa chưa tốt, nhất là không trang bị áo phao cứu sinh, dụng cụ cứu sinh. Người điều khiển phương tiện phần lớn chưa được đào tạo, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện đường thủy. Trong khi đó, Lai Châu chưa có cơ sở đào tạo dạy nghề cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn cho người lái phương tiện thủy nội địa.
Đại úy Nguyễn Xuân Hòa - Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền (Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Lai Châu) cho biết: “Các phương tiện chủ yếu đóng theo ý của người dân và không có bản thiết kế kỹ thuật tiêu chuẩn cũng như chưa được đăng ký, đăng kiểm. Để đảm bảo an toàn cho người dân khi hoạt động các phương tiện trên sông, đơn vị phối hợp với các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con mang áo phao, trang bị dụng cụ nổi, phòng tránh đuối nước, quán triệt không di chuyển khi thời tiết xấu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm”.
Thiết nghĩ, để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, mỗi người dân, đặc biệt là chủ thuyền cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Qua đó, góp phần kiềm chế, giảm tai nạn và vi phạm pháp luật khác trên địa bàn quản lý.