Vĩnh Phúc: Tăng cường các giải pháp phòng ngừa TNGT đường sắt

Thứ năm, 20/09/2018 14:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong 6 tháng đầu năm 2018, trên toàn quốc xảy ra 124 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 78 người, bị thương 57 người; trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 1 người.

Ngoài ra, còn xảy ra một số vụ việc vi phạm các quy định về an toàn giao thông, gây nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông chưa chấp hành tốt pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt.


Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tăng kiểm tra một điểm đường ngang dân sinh
giao nhau với đường sắt tại huyện Bình Xuyên.

Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát giao thông với ngành đường sắt trong công tác đảm bảo TTATGT, Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường các giải pháp phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt.

Theo đó, lực lượng Công an sẽ tham mưu cấp ủy, chính quyền và Ban An toàn giao thông các địa phương có đường sắt đi qua chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt cho mọi tầng lớp nhân dân, phối hợp với các cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị xã hội đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới mọi hình thức như: Tuyên truyền lưu động, trưng bày panô, áp phích; trực tiếp tuyên truyền, giảng bài pháp luật về đường sắt, vận động ký cam kết chấp hành TTATGT đường sắt; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật đường sắt…; phối hợp với Công ty cổ phần đường sắt Vĩnh Phú tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về an toàn giao thông đường sắt trong nhân dân như: “Điểm cảnh giới đường ngang cựu chiến binh - khăn quàng đỏ”, “Tuyến đường an toàn giao thông, văn minh, xanh, sạch, đẹp”, “Em yêu đường sắt quê em”...

Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng các mô hình tự quản, lực lượng Công an sẽ tiến hành rà soát, xác định các vị trí đường sắt giao nhau với đường bộ không phù hợp với các quy định của Luật Đường sắt năm 2017, các lối đi tự mở.

Qua đó, xác định các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt để tham mưu UBND các cấp chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông như: Tổ chức phân luồng giao thông tại các vị trí nguy hiểm nhằm giảm thiểu mật độ phương tiện qua lại đường sắt; duy trì đầy đủ các biển cảnh báo; giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt bị vi phạm; thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục các điểm đen tai nạn giao thông đường sắt; xây dựng và thực hiện phương án chốt gác, cơ sở vật chất cho phòng chốt.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo đảm TTATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có rào chắn, đặc biệt là vào các giờ tàu đi qua. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch của Công an tỉnh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về TTATGT đường sắt. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử phạt các hành vi như: Dừng đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi đi qua đường ngang; vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang di chuyển; vượt đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng; việc chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang khi đi qua đường...

kimcuc

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)