Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Yên Bái, trong 9 tháng của năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 111 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm 28 người chết, 130 người bị thương; giảm 14 vụ, 4 người chết, 15 người bị thương so với cùng kỳ năm 2017.
Yên Bái tiếp tục kiềm chế tai nạn giao thông (Ảnh minh họa)
Trong đó, các địa phương có TNGT giảm 3 tiêu chí là các huyện: Văn Yên, Yên Bình; một số địa phương có TNGT diễn biến phức tạp là các huyện: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trấn Yên.
Qua đánh giá, công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT đã được chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, nhận thức của người dân khi tham gia giao thông; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT có nhiều tiến bộ, hiệu quả hơn; công tác tuần tra, xử lý vi phạm ATGT của các lực lượng chức năng được tăng cường, góp phần răn đe, phòng ngừa các nguyên nhân xảy ra TNGT.
Mặc dù vậy, các ngành chức năng cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: ý thức chấp hành pháp luật ATGT của một bộ phận người dân còn kém, dẫn đến TNGT dù đã được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, đặc biệt là TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí.
Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ diễn ra phức tạp, tái diễn tình trạng sử dụng lòng, lề đường để tổ chức đám cưới, đám tang; tình trạng thiếu vạch sơn tim đường, vạch sơn, biển báo hiệu giao thông còn khá phổ biến trên tuyến đường tỉnh, đường huyện; công tác tổ chức giao thông, cảnh báo ATGT trên đường giao thông nông thôn ít được quan tâm.
Còn chưa dứt điểm xử lý các lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; tình trạng xe có dấu hiệu chở quá tải còn diễn ra; hạ tầng giao thông một số tuyến đường bị xuống cấp nhưng chưa có nguồn lực sửa chữa; những hành vi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định trên xe mô tô, xe gắn máy; sử dụng xe công nông, xe tự chế để chuyên chở hàng hóa trên tuyến đường nông thôn vẫn còn tiếp diễn…
Theo ông Trần Xuân Quyết - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, thời gian tới, Ban ATGT tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục, xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT. Cụ thể, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên, ban ATGT các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật ATGT.
Trong đó tập trung tuyên truyền ATGT ngoại khóa tại 15 trường học trên địa bàn; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các đơn vị trường học ký cam kết thực hiện các quy định về ATGT cho phụ huynh, học sinh; tiếp tục triển khai bộ tài liệu "Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, THCS; tổ chức các hoạt động trao mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ.
Lực lượng Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Trên cơ sở đó, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường phương tiện, nhân lực triển khai tuần tra, kiểm soát chuyên đề về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ…; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ để tuyên truyền, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, đường đèo dốc có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Bên cạnh đó, ngành giao thông vận tải tăng cường công tác bảo trì, sửa chữa nền mặt đường; tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hình thức vận tải hợp đồng, du lịch bằng ô tô; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm hành lang ATGT đường bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến đường trọng điểm…