Ngày 01/11, tại Trường THPT Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp tổ chức tập huấn, tuyên truyền phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 98% tử vong do đuối nước trẻ em xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ em bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 43%. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước và tai nạn giao thông là hai nguyên nhân hàng đầu với khoảng 4.000 trẻ em và vị thành niên tử vong mỗi năm, tương đương khoảng hơn 10 trẻ tử vong mỗi ngày. Như vậy Việt Nam là một trong những nước đúng đầu khu vực về tỷ lệ tử vong do đuối nước gây ra và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển.
Tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông không chỉ gây thiệt hai về người, tài sản mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, để lại nỗi đau đớn đeo đẳng, kéo dài cho các gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.
Tai nạn thương tích gây tử vong cao ở trẻ em là do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan như do thiếu kiến thức, bất cẩn của người lớn, sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc phụ huynh, môi trường sống trong cộng đồng, gia đình chưa an toàn, việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, đường thủy chưa tốt, việc giám sát thực hiện công tác phòng chống TNTT của một số cơ quan, chính quyền chưa sát sao, đầu tư nguồn lực của nhà nước còn hạn chế…. Đặc biệt, phần lớn trẻ em nước ta chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về bơi lội; chưa có kinh nghiệm trong phòng, tránh và xử lý tình huống khi xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cũng như các loại tai nạn thương tích khác.
Nhằm từng bước ngăn chặn và giảm thiểu số ca tử vong do đuối nước cũng như tai nạn thương tích gây ra cho trẻ em, và thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ đề ra tại quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT tổ chức Lễ tuyên truyền, phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh tại tỉnh Đồng Tháp nhằm giúp cho các em học sinh cũng như các thầy cô giáo có thêm những kiến thức và kỹ năng bổ ích trong công tác phòng chống TNTT.
Đối tượng của tập huấn hôm nay là toàn thể giáo viên và 1400 học sinh Trường THPT Tháp Mười sẽ được tập huấn những kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để phòng ngừa và ứng phó với các loại tai nạn gây thương tích
Mục tiêu của chương trình tập huấn nhằm bồi dưỡng những kiến thức và kĩ năng bổ ích cho học sinh để phòng ngừa và ứng phó tai nạn gây thương tích ở lứa tuổi thanh thiếu niên gồm kỹ năng chống đuối nước, ứng phó tai nạn và phòng chống đuối nước, an toàn trong giao thông đường thủy, tránh khu vực nước nguy hiểm, cách xử lý khi gặp sự cố, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy dẫn chữa cháy bằng bình cứu hỏa.
Không những vậy, các chuyên gia còn trực tiếp thực hành, làm mẫu các phương pháp cứu đuối, cứu nạn và sơ cứu kịp thời người bị đuối nước; cách thoát hiểm và hướng dẫn thoát hiểm nếu xảy ra cháy, nổ trong khu vực trường học, nhà cao tầng, nhà ống, cách thức sử dụng áo phao, bình chữa cháy, bình gas gia dụng,
Đồng thời, học sinh còn được trải nghiệm thực tế các hoạt động như dập lửa, thoát hiểm từ nhà cao tầng,… dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, bác sĩ ở Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam với tình huống giả định cháy sơ cấp cứu.
Nhân dịp này, Bộ Giao thông vận tải trao tặng 640 mũ bảo hiểm, 100 sách Hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn dành cho trẻ em cho trường THPT Tháp Mười; 500 cặp phao cứu sinh, 1000 dụng cụ nổi cho Ban ATGT tỉnh Đồng Tháp. Trung tâm TKCNHH Việt Nam trao tặng 150 áo phao và thuốc sơ cứu y tế cho học sinh trường.
Buổi tập huấn đã nhận được sự ủng hộ và tham gia hào hứng, sôi nổi của học sinh. Các bạn đã có rất nhiều câu hỏi, tranh luận với các hướng dẫn viên về kiến thức đã học. Sau buổi tập huấn, bạn Nguyễn Thị Thuý An (10A3) háo hức chia sẻ: “Buổi tập huấn này rất thiết thực với học sinh chúng em với nhiều điều mới mẻ và lí thú. Em xin gửi lời cảm ơn tới các bác, cô, chú của Bộ GTVT, các anh, chị của Trung tâm TKCNHH Việt Nam ngày hôm nay. Thật tốt khi học sinh được tham gia những hoạt động bổ ích như thế này”.
Buổi tập huấn đã điễn ra thành công tốt đẹp. Thông qua chương trình này, Bộ GTVT mong muốn nội dung chương trình sẽ được tiếp tục triển khai rộng rãi, tiếp cận được nhiều trẻ em, học sinh hơn nữa, thậm chí cả các bậc phụ huynh, người dân trên khắp cả nước được biết, được hiểu, thực hành và ghi nhớ các kỹ năng sống cơ bản, hữu ích này.
Một số hình ảnh buổi tập huấn:
Đỗ Hưng