Bắc Kạn: Tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng máy kéo nông nghiệp tham gia giao thông

Thứ tư, 09/01/2019 08:40
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tại một số địa phương trong tỉnh Bắc Kạn, tình trạng xe đầu kéo nông nghiệp chở hàng hóa, gỗ, cát sỏi... lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay khu vực đông dân cư đang diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy gây tai nạn đáng tiếc cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố Bắc Kạn tuyên truyền, nhắc nhở
trường hợp xe đầu kéo nông nghiệp tham gia giao thông trên tuyến đường nội thị

Xe máy cày tự chế, đầu máy tắc tơ có gắn thùng ở phía sau chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường nông thôn với chức năng chính là vận chuyển hàng hóa, gỗ bóc, vật tư nông nghiệp, nông sản, sau thu hoạch từ nhà đến đồng ruộng và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây, loại phương tiện này được bà con tự chế thành, thùng để chuyên chở hàng hóa ngoài mục đích phục vụ nông nghiệp tham gia giao thông trên các tuyến đường diễn ra khá phổ biến.

Theo quan sát của chúng tôi, tại các tuyến QL3a, 3b,  ĐT257, 258 và khu vực lân cận Thành phố Bắc Kạn có rất nhiều đầu máy nông nghiệp gắn thùng chở hàng phía sau vận chuyển vật liệu xây dựng, chở gỗ, gia súc “ung dung” lưu thông trên tuyến. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất phải kể đến là xe tự chế chở lâm sản sau khai thác, chở gỗ bóc tại các xưởng nằm dọc trên các trục đường. Dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy cày tự chế cồng kềnh, không đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật thiết kế mà lại chất đầy gỗ bóc ở phía sau thùng cao ngất ngưởng chạy ngang nhiên giữa đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ va chạm, tai nạn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Anh Chúng Văn Sinh, lái xe chạy tuyến cố định Pác Nặm - Bắc Kạn thường xuyên lưu thông trên tuyến QL3a và ĐT258, chứng kiến tình trạng máy kéo nông nghiệp tự chế chở gỗ bóc trên đường diễn ra khá phổ biến. Anh Sinh cho biết: “Tôi cũng như nhiều lái xe khách chạy tuyến khá quan ngại khi gặp những phương tiện này trên đường, bởi họ không thể quan sát phía sau, lại không có còi, đèn xi-nhan nên khi rẽ trái, phải rất nguy hiểm. Đáng nói là những chiếc xe máy nông nghiệp tự chế tác này không được các cơ quan chức năng kiểm định chất lượng, nên cũng không đảm bảo về thông số kỹ thuật theo quy định để tham gia giao thông. Trong khi đó, hầu hết người điều khiển loại phương tiện này không có bằng lái, nhưng vẫn “tung hoành”  và thường chở sai mục đích, gây cản trở giao thông khiến người tham gia giao thông luôn cảm thấy bất an”.

Trước thực trạng trên, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), đã tham mưu cho Ban Giám đốc ra văn bản chỉ đạo Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới và điều kiện của người lái xe tham gia giao thông. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các phương tiện máy kéo nông nghiệp tự chế tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không có giấy phép lái xe theo quy định; xe chở quá tải trọng; không đăng ký xe theo quy định; không đủ hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu; bộ phận hãm không đảm bảo…

Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc quản lý, xử lý vi phạm đối với xe máy cày tự chế trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vì theo Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 9/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông, thì phương tiện này không thuộc diện tạm đình chỉ tham gia giao thông nhưng cần tăng cường biện pháp quản lý để bảo đảm an toàn giao thông. Nhưng để quy hoạch hệ thống đường gom, đường dành riêng cho phương tiện này ở các địa phương rất khó thực hiện. Mặt khác, đây là loại phương tiện quan trọng đối với việc mưu sinh của một bộ phận không nhỏ bà con nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp có nhu cầu lớn trong việc sử dụng máy kéo nhỏ tham gia giao thông.

Do vậy, để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do loại phương tiện này gây ra, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần vào cuộc một cách tích cực hơn nữa; đẩy mạnh cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời vận động người dân sử dụng các loại phương tiện máy kéo nông nghiệp đúng mục đích, không tự chế thành thùng để vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông gây cản trở và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn đáng tiếc xảy ra.

kieuanh

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)