Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đã xây dựng chương trình Năm an toàn giao thông 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, với mục tiêu phấn đấu giảm từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương, đồng thời giảm 10% số thương vong do tai nạn giao thông (TNGT) trong vận tải hành khách và người đi mô tô xe máy; khắc phục ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và các trục giao thông chính trong cả nước..
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây với đà kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, nhu cầu giao thông, số phương tiện tiếp tục gia tăng đã tạo nên thách thức lớn cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đơn cử trong năm 2018, mặc dù TNGT toàn quốc tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí nhưng theo thống kê đã xảy ra 18.736 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.248 người, bị thương 14.802 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 6% số vụ, giảm 13% số người bị thương, tuy nhiên số người chết chỉ giảm 0,4% - con số còn khá khiêm tốn so với tổng số người đã thiệt mạng vì TNGT.
Đối với tỉnh Ninh Thuận, trong năm 2018 bên cạnh việc tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các ngành và đơn vị liên quan đã tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra việc chấp hành pháp luật ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm, từng bước xóa các “điểm đen” về TNGT tại các địa phương…nên TNGT tiếp tục được kiềm chế, giảm mạnh về số vụ, số người bị thương so với năm trước. Cụ thể trong năm toàn tỉnh xảy ra 192 vụ (giảm 99 vụ), làm chết 63 người, bị thương 226 người (giảm 150 người)…
Lực lượng Cảnh sát giao thông Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tuần tra,
kiểm soát trên địa bàn.
Phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến TNGT như chất lượng đường sá, chất lượng phương tiện, tình trạng giao thông…, tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn vẫn là do lỗi của người điều khiển phương tiện mà phần lớn trong số đó không chỉ thiếu ý thức mà còn xem nhẹ tính mạng của người khác và ngay cả chính mình khi tham gia giao thông bằng các hành vi như: Đi sai làn đường quy định, chuyển hướng không có đèn báo, chạy vượt quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng “làm xiếc” trên đường, uống rượu, bia say…Mặt khác, một số người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm nên khi tai nạn khi xảy ra đã để lại hậu quả rất nặng nề cho bản thân, gia đình và cả xã hội.
Điều đáng nói là mặc dù các vi phạm liên quan đến pháp luật ATGT đều có chế tài xử phạt, thậm chí là phạt nặng. Cụ thể như hành vi liên quan đến lái xe có sử dụng bia, rượu. Hiện nay, mức xử phạt đối với lỗi vi phạm này là khá cao, tương xứng với hành vi nguy hiểm mà lái xe có thể gây ra. Mức thấp nhất là phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Mức phạt cao nhất là từ 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (theo Điểm a, Khoản 9, Điều 5 - Nghị định 46 của Chính phủ). Ngoài ra, người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng (theo Điểm đ, Khoản 12, Điều 5 - Nghị định 46)...
Như vậy, mức xử phạt nặng đã có, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho việc xử lý không thiếu nhưng kết quả xử lý lỗi vi phạm này lại rất khiêm tốn do thiếu quyết tâm của lực lượng thực thi nhiệm vụ nên tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông diễn ra quanh năm và có xu hướng tăng cao vào những dịp lễ, tết, cuối năm. Cứ nhìn vào số lượng “tửu đồ” tại những quán nhậu đủ kiểu… để rồi sau mỗi cuộc vui là điều khiển phương tiện chạy trong trạng thái lơ mơ, thậm chí chạy “bạt mạng” trên đường cũng đủ thấy ngán ngẩm. Hoặc theo quy định của Bộ luật Hình sự 2009 quy định về hành vi người vi phạm về giao thông đường bộ gây thiệt hại sức khỏe người khác với tỷ lệ thương tật 31% bị xử lý hình sự, thế nhưng Bộ luật Hình sự mới năm 2015, cũng với hành vi trên nhưng để xử lý hình sự thì mức tỷ lệ thương tật phải là 61%. Đây là một trong những nguyên nhân ngày càng có nhiều người xem thường pháp luật, dẫn đến nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra...
Trong năm 2019 này, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí so với kết quả thực hiện của năm 2018 cả nước nói chung, tỉnh Ninh Thuận nói riêng, yêu cầu đặt ra là các cấp ủy đảng, các ngành, đoàn thể, huyện, thành phố cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo ATGT, tập trung vào lực lượng thực thi pháp luật, siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong quản lý, xử phạt vi phạm giao thông. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019 sắp tới, do nhu cầu đi lại sẽ tăng, tình hình ATGT diễn biến phức tạp, các lực lượng cần tổ chức tốt hoạt động tuần tra, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, trọng tâm là vi phạm về nồng độ cồn và không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy, xe điện tham gia giao thông.
Có thể nói, tỉnh Ninh Thuận đã có khởi đầu khá “suôn sẻ”, đó là trong 4 ngày nghỉ tết Dương lịch 2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông ngoài một vụ va chạm giao thông đường bộ xảy ra tại địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, làm bị thương nhẹ 2 người. Nếu duy trì hiệu quả mức độ quyết liệt như vừa qua tin rằng sẽ giảm mạnh TNGT và “…đó là món quà tết ý nghĩa nhất với người dân”, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đã nói tại Lễ phát động ra quân năm ATGT 2019 và đợt cao điểm đảm bảo trật tự, ATGT Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và Lễ hội xuân 2019 vừa mới diễn ra tại Hà Nội.