Năm 2018, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Bến Tre tương đối ổn định. Tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế và kéo giảm so với thời gian liền kề. Tuy nhiên, TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn được xác định là do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế.
Người tham gia giao thông ngang nhiên vi phạm giao thông
Thay đổi “hành vi” khi tham gia giao thông
Chắc hẳn trong mọi người ai cũng biết rằng, khi tham gia giao thông nếu không đội mũ bảo hiểm, kè, đẩy xe khác, vật khác, điều khiển xe khi không có giấy phép lái xe, chạy xe quá tốc độ hay điều khiển xe cơ giới khi đã sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khác là nguy hiểm và vi phạm pháp luật về giao thông. Nhưng hiện nay, vẫn còn không ít người cẩu thả, chủ quan, vô tư thực hiện các hành vi vi phạm đó, bất chấp những hậu quả thương tâm xảy ra.
Chị N.T.Y, ngụ Phường 3, TP. Bến Tre làm nghề buôn bán quần áo tại khu vực chợ đêm Bến Tre cho biết: “Hàng ngày, tôi phải vận chuyển hàng từ nhà ở Phường 3 ra đây để bán. Do hàng hóa nhiều quá nếu thuê chở thì bán không có lời, nên tôi gom vào thùng và ráng kéo ra cho tiết kiệm. Tôi biết đó là hành vi nguy hiểm và vi phạm nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải chấp nhận”.
Trên xe chở 15 hành khách đi từ tỉnh Tiền Giang sang huyện Chợ Lách. Khi đến khu vực đường Võ Nguyên Giáp, xã Bình Phú, TP. Bến Tre thì bị tổ tuần tra giao thông kiểm tra phát hiện anh T không có giấy phép lái xe theo quy định. Khi Cảnh sát giao thông hỏi anh có biết điều khiển xe mà không có giấy phép lái xe là rất nguy hiểm và vi phạm pháp luật không thì anh T trả lời là biết nhưng do nhu cầu cuộc sống gia đình nên liều chạy kiếm tiền về ăn Tết. Khi đến gần xe vi phạm thì nghe những lời lẽ rất phản cảm và thờ ơ, trách móc của hành khách đối với lực lượng Cảnh sát giao thông vì lý do bị tạm giữ phương tiện… Nhưng bà con cũng đâu biết trong thời gian qua có rất nhiều vụ TNGT rất thương tâm do lái xe không đủ điều kiện gây ra.
Thông qua công tác điều tra giải quyết TNGT của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho thấy: Khoảng 80% nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT là do yếu tố chủ quan, thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Có những hành vi vi phạm tưởng chừng như không mấy nghiêm trọng như người đi bộ đi qua đường không đúng quy định đến những hành vi người đi xe thô sơ, xe cơ giới tham gia giao thông không chấp hành đúng quy tắc giao thông, đã có uống rượu bia khi tham gia giao thông… nhưng đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc là tự gây tai nạn cho mình và mọi người xung quanh. Đặc biệt, trong 126 vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng đã xác định rõ nguyên nhân thì có 64 vụ có liên quan đến người điều khiển xe cơ giới có sử dụng rượu, bia gây ra, chiếm tỷ lệ 50,79% trên tổng số vụ.
Đại úy Nguyễn Đặng Hữu Trí - Đội phó Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Hiện nay, hầu như bà con ai cũng biết và nắm vững những quy định cơ bản của Luật Giao thông đường bộ. Và cũng biết rằng, khi thực hiện những hành vi đó là nguy hiểm, có thể xảy ra tai nạn. Nhưng khi tham gia giao thông vẫn còn một số người vi phạm do chủ quan: chạy một đoạn đường ngắn chắc không sao hay tin tưởng rằng sử dụng vài ba ly rượu, ly bia hỏng lẽ bị TNGT trong khi ngày thường mình có thể sử dụng nhiều rượu, bia… Chính những sự cẩu thả, vô ý đó lại là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều vụ TNGT đường bộ trong thời gian qua.
Phòng tránh tai nạn
Thượng tá Võ Văn Nghĩa - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh nhận định: “Thời gian qua, trong công tác đảm bảo trật tự ATGT chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT do con người là chủ yếu. Nếu mọi người cẩn thận, có ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông thì vẫn có thể phòng tránh TNGT xảy ra cho mình và mọi người xung quanh. Trên một đoạn đường vắng không có hệ thống chiếu sang, người tham gia giao thông chạy với tốc độ chậm, chú ý quan sát sẽ giảm nguy cơ xảy ra TNGT rất nhiều so với 1 người chạy nhanh, chạy ẩu…”.
TNGT không trừ một thành phần, đối tượng, độ tuổi, giới tính nào. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ thời gian nào nếu người đó thực hiện “hành vi sai” luật giao thông. Để có thể tự phòng ngừa tai nạn cho mình khi tham gia giao thông, Thượng tá Nghĩa khuyến cáo:
Cần chuẩn bị cho mình một hành trình, quảng đường phù hợp trước khi lái xe, tránh tình trạng lái xe mà không tập trung chú ý quan sát. Khi lái xe mắt phải hướng về trước, không được làm việc riêng, sử dụng điện thoại di động… để khi lái xe chúng ta có thể tập trung chủ động xử lý tình huống. Tránh trường hợp suy nghĩ nhiều làm mất tập trung ảnh hưởng đến khả năng xử lý tình huống khi đi đường.
Phải tuân thủ nghiêm quy định, hiệu lệnh của hệ thống biển báo hiệu đường bộ, đặc biệt là quy định về tốc độ. Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông không đồng bộ. Có một số tuyến đường đảm bảo và một số tuyến còn nhiều bất cập. Khi tham gia giao thông, chúng ta phải chú ý đến các hiệu lệnh của hệ thống biển báo hiệu đường bộ, nhất là biển cấm, biển nguy hiểm, biển hạn chế tốc độ… để có thể điều chỉnh vận tốc cho phù hợp, hành trình đảm bảo an toàn khi đi qua những vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn thường xảy ra tai nạn, đường cong…
Không lái xe khi đã có sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác mà pháp luật cấm. Nếu sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích sẽ gây ức chế hệ thần kinh người lái xe làm cho họ khó có khả năng phán đoán, quan sát và xử lý tình huống đúng khi tham gia giao thông từ đó nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn người bình thường.
Với khẩu hiệu hành động “Tính mạng con người là trên hết”, Thượng tá Nghĩa mong muốn mọi người khi tham gia giao thông luôn tôn trọng, nhường nhịn, tự giác tuân thủ chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Không vi phạm luật giao thông cho dù là “hành vi nhỏ nhất” để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trên mỗi nẻo đường và TNGT không còn là nỗi ám ảnh, sợ hãi của người tham gia giao thông.