Vài năm trở lại đây, các phương tiện tham gia giao thông đường bộ không ngừng tăng, đi liền với đó là tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đây là thách thức lớn đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La tuyên truyền
Luật Giao thông đường bộ tại Trường PTDT Nội trú tỉnh. Ảnh: Vũ Tuấn
Chính vì vậy, năm 2019, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã xây dựng chương trình Năm an toàn giao thông với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, với mục tiêu giảm từ 5-10% cả số vụ, số người chết, số người bị thương; khắc phục ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn và các trục giao thông chính trong cả nước.
Năm 2018, Ban An toàn giao thông tỉnh Sơn La đã chỉ đạo, đôn đốc các cấp, các ngành, ban an toàn giao thông các huyện, thành phố vào cuộc quyết liệt, duy trì thường xuyên công tác bảo đảm TTATGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai khá đồng bộ và luôn đổi mới về nội dung; công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT được tăng cường trên các lĩnh vực: Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe... Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, do vậy, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh đã giảm cả số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông, làm chết 71 người, bị thương 104 người (so với năm 2017, giảm 22 vụ, số người chết giảm 6 người, số người bị thương giảm 38 người). Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông kém, như: Điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; vi phạm tốc độ, đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng trên đường; phương tiện hết niên hạn sử dụng... Thêm vào đó, công tác giải tỏa hành lang đường bộ có lúc, có nơi còn thiếu kiên quyết, chậm trễ và hiệu quả thấp.
Thực hiện chủ đề Năm an toàn giao thông 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Sơn La đề ra mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông tối thiểu 5% cả 3 tiêu chí; yêu cầu cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, siết chặt hoạt động đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT; tuyên truyền phải thiết thực, thường xuyên đổi mới, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục phát động phong trào tiên phong, gương mẫu của người thực thi công vụ, cán bộ hưởng lương ngân sách Nhà nước; vận động người thân thực hiện tốt các quy định về TTATGT; xây dựng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về TTATGT. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quan tâm điều chỉnh, bổ sung hệ thống an toàn giao thông; phát hiện, xử lý “điểm đen” và các sự cố về cầu đường; chủ động khắc phục hậu quả lũ bão, bảo đảm các tuyến đường trên địa bàn tỉnh thông suốt, an toàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách. Xây dựng cơ chế, chính sách và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải. Đẩy mạnh phong trào “Doanh nghiệp vận tải an toàn”, “Lái xe an toàn”. Đăng ký các phương tiện đường bộ theo đúng quy định của pháp luật; chấn chỉnh công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ, bảo đảm đạt yêu cầu kỹ thuật và môi trường... Các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức hoạt động tuần tra, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, trọng tâm là vi phạm về nồng độ cồn và không đội mũ bảo hiểm điều khiển mô tô, xe máy, xe điện khi tham gia giao thông.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị và những biện pháp hữu hiệu trong bảo đảm TTATGT của các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật, hơn bao giờ hết, ý thức chấp hành tốt quy định về TTATGT của mọi công dân phải được nâng cao, không được xem nhẹ tính mạng của người khác và ngay cả chính mình khi tham gia giao thông thì tai nạn giao thông mới giảm, góp phần đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình.