Hệ thống giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 30 tuyến sông, kênh, với tổng chiều dài 1.889km; hiện đã công bố, đưa vào quản lý, bảo trì 22 tuyến sông, kênh, với chiều dài hơn 697km. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 2 cảng thủy nội địa (đò Lèn và Hàm Rồng), 27 bến thủy nội địa.
Tàu thuyền hoạt động trên sông Lèn, đoạn qua huyện Hà Trung
Thực tế giao thông ĐTNĐ, hiện nay cho thấy: Hệ thống sông, kênh có nhiều đoạn cong, bán kính nhỏ, các đoạn ở vùng núi có nhiều dốc và bãi cạn, thác ghềnh. Ngoài ra, nhiều tuyến sông, kênh có cấp kỹ thuật thấp; khoảng 80% chiều dài của các tuyến sông trên địa bàn tỉnh chỉ đạt từ cấp 4 đến cấp 6, đáp ứng cho tàu vận tải dưới 100 tấn, vận tải hành khách vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê của Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 110 bến khách ngang sông, 76 phương tiện chở khách ngang sông hoạt động trên 10 tuyến sông, kênh.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phương tiện vận chuyển khách ngang sông chưa bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật; chưa đăng ký, đăng kiểm. Ngoài ra, đa số các bến khách ngang sông chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng ban đêm, biển báo hiệu đường thủy, nội quy bến, thiết bị neo buộc phương tiện... Để góp phần bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) ĐTNĐ, thời gian qua, ban ATGT từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông – vận tải không ngừng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến sông, kênh có nhiều phương tiện thủy hoạt động, xử lý nghiêm những vi phạm Luật Giao thông ĐTNĐ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương nơi có các tuyến sông, kênh đi qua tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ đến những người làm nghề “sông nước” để họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo đảm trật tự, ATGT.
Ngoài ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, khai thác ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng hệ thống biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ trên các tuyến sông, kênh đang quản lý. Với 697km ĐTNĐ đã đưa vào khai thác phục vụ giao thông - vận tải thủy, công ty đã đầu tư lắp đặt 1.245 biển báo hiệu, nhưng cũng mới đáp ứng khoảng hơn 70% nhu cầu thực tế. Trong quá trình khai thác ĐTNĐ, cho thấy: Biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ đã góp phần giúp cho các chủ phương tiện thủy bảo đảm an toàn trong quá trình lưu thông trên các tuyến sông, kênh. Như trên tuyến sông Lèn, đưa vào khai thác, sử dụng 51 km, công ty đã lắp đặt 195 biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là thiếu hệ thống chiếu sáng vào ban đêm, nguồn vốn đầu tư nạo vét lòng các tuyến sông nói chung, sông Lèn nói riêng, nhất là những điểm sạt lở gặp khó khăn.
Theo đánh giá của Sở GTVT, những năm qua, nguồn lực đầu tư cho ĐTNĐ còn thấp, công tác xã hội hóa đầu tư các tuyến đường thủy còn gặp nhiều khó khăn. Việc khai thác vận tải ĐTNĐ vẫn phụ thuộc vào tự nhiên, mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ trên từng đoạn sông, kênh. Xếp dỡ hàng hóa còn thô sơ, phương tiện ĐTNĐ có trọng tải và công suất nhỏ. Công tác quản lý, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy còn hạn chế... Để phát huy tối đa hệ thống ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đi lại của nhân dân, Sở GTVT đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ luồng tuyến, cảng, bến TNĐ, đường giao thông kết nối vào cảng để phát huy tiềm năng, lợi thế ĐTNĐ và hỗ trợ, kết nối với các phương thức vận tải khác.
Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng vận tải ĐTNĐ, bảo đảm môi trường; trong đó, chú trọng công tác quản lý, bảo trì để khai thác tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ. Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải ĐTNĐ trong tỉnh và phối hợp với các loại hình vận tải khác (đường bộ, đường sắt, cảng biển) tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động. Ngoài ra, quá trình phát triển giao thông ĐTNĐ, Sở GTVT chú trọng phát triển phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện luồng lạch và bảo đảm an toàn vận tải.
Để góp phần thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo đảm trật tự ATGT ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh, nhất là những tuyến sông, kênh đã đưa vào khai thác, đại diện lãnh đạo Công ty CP Quản lý ĐTNĐ và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, đề nghị tỉnh, Bộ GTVT quan tâm đầu tư nạo vét, thanh thải những chướng ngại vật các khu vực bãi cạn, bãi đá trên các tuyến sông. Bổ sung kinh phí để đầu tư lắp đặt biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ phục vụ phương tiện vận tải thủy hoạt động ban đêm trên 2 tuyến sông Lèn, sông Mã và các cửa sông.
Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp với chính quyền các phường, xã ven các tuyến sông, kênh thực hiện tuyên truyền về Luật Giao thông ĐTNĐ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như trộm cắp, phá hoại biển báo hiệu giao thông ĐTNĐ. Trong quá trình phát triển giao thông ĐTNĐ, Sở GTVT triển khai thực hiện điều chỉnh cấp kỹ thuật của một số tuyến ĐTNĐ địa phương theo hướng tăng lên cấp cao hơn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.
Tăng cường quản lý, cấp phép cho các bến khách ngang sông đủ điều kiện hoạt động theo quy định để góp phần bảo đảm ATGT. Từng bước xây dựng cầu cứng, cầu treo dân sinh tại những vị trí thuận lợi để thay thế bến đò nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, giao thương phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ATGT. Đối với các vị trí có nhu cầu hoạt động bến thủy chuyên dùng cho tập kết, khai thác cát, sỏi lòng sông, Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương thực hiện đánh giá điều kiện bến thủy để tham mưu cho cấp có thẩm quyền cấp phép dài hạn hoặc tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế.