Thanh Hóa: Mùa gặt và nỗi lo mất an toàn giao thông từ việc phơi rơm, lúa trên đường

Thứ năm, 16/05/2019 08:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đang bắt đầu thu hoạch vụ lúa chiêm xuân. Ðây cũng là thời điểm nhiều tuyến đường bị sử dụng làm nơi tập kết lúa, tuốt lúa và phơi rơm, lúa. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để, gây nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Mùa gặt và nỗi lo mất an toàn giao thông từ việc phơi rơm, lúa trên đường

Những ngày này, đi dọc các tuyến Quốc lộ 45, 47, ĐT 515B…, người tham gia giao thông rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân đang bước vào thời kỳ thu hoạch lúa mùa. Do diện tích đất ở hạn hẹp, nhiều gia đình đã tận dụng lòng lề đường làm nơi tuốt lúa, phơi lúa, phơi rơm, rạ. Thậm chí, cả đường liên thôn, liên xã, liên huyện cũng biến thành “sân phơi lý tưởng” của bà con nông dân.

Không chỉ vậy, tại một số nơi, người dân còn dùng ghế, các tấm biển quảng cáo, gạch, đá, cành cây xếp thành hàng để ngăn không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực phơi lúa, tiềm ẩn cao nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trên thực tế, đã có nhiều vụ TNGT xảy ra mà thủ phạm chính là những đống rơm rạ, bãi lúa được phơi ngay trên đường.

Ðiểm a, Khoản 1, Ðiều 11, Nghị định số 171/2013/NÐ-CP của Chính phủ đã quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm “Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ”. Và theo Điểm đ, Khoản 1, Điều 203 Bộ luật Hình sự: Người nào có hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường cản trở giao thông đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 5 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, bỏ qua những quy định trên, hằng năm, cứ đến thời kỳ thu hoạch lúa xuân và lúa mùa, tình trạng trên lại tái diễn.

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, chính quyền các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, hơn ai hết, mỗi người dân cần tự mình nâng cao ý thức trách nhiệm, không phơi lúa, rơm, rạ ra đường để góp phần bảo đảm ATGT cho chính mình và cho những người tham gia giao thông.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)