Bình Phước: Nỗi lo an toàn giao thông vùng nông thôn

Thứ ba, 21/05/2019 08:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Phước, tình hình tai nạn giao thông khu vực nông thôn thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chiếc xe “nhiều không” vẫn phổ biến, “tung hoành” trên đường thôn...

Những chiếc xe “nhiều không” 

Trên chiếc xe độ chế không đèn, không còi, không biển kiểm soát, chúng tôi thấy những đứa trẻ đầu đội mũ vải hoặc để trần phơi ra mớ tóc hung hung, gương mặt đầy sự phấn khích điều khiển xe lao nhanh trên đường. Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường ở xã Bù Gia Mập, huyện biên giới Bù Gia Mập. Ở quán cà phê ngay góc ngã ba ông Chu, thôn Bù La, 9 giờ có một nhóm thanh niên tụ tập. Xe máy dựng đầy trước cửa quán nhưng chỉ duy nhất chiếc Honda Wave còn nguyên hình dạng ban đầu của nhà sản xuất, số còn lại đều là xe độ chế.

Một người dân không đội mũ bảo hiểm nhưng vẫn vô tư
đi xe máy độ chế lưu thông trên đường thôn Bù La, xã Bù Gia Mập

Anh Điểu Duy ở thôn 8, xã Bù Gia Mập nói: “Xe chủ yếu là độ phuộc cho cao, rồi làm lại máy mạnh hơn mới đi được đường rẫy. Những xe này dùng để đi rẫy thôi”. Nói là vậy nhưng xe độ hay còn gọi là xe cảo đã trở thành phương tiện giao thông chính trên các tuyến đường ở xã Bù Gia Mập, phục vụ nhiều mục đích khác nhau chứ không đơn thuần dùng đi rẫy.

Chỉ cần 3-5 triệu đồng và chiếc xe máy cũ, người dân đã có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe cảo. Hầu hết những chiếc xe cảo đều có tuổi đời trên chục năm, nhiều phụ tùng đã xuống cấp. Chủ phương tiện chỉ giữ lại phần khung và động cơ, sau đó cải tiến cho đơn giản và gọn gàng hơn so với thiết kế ban đầu như tháo yếm xe, hộp số, biển số, nâng cấp động cơ máy. Cải tiến động cơ, hình dáng của chiếc xe đồng nghĩa cải tiến cả độ tuổi điều khiển. Bởi ai cũng có thể điều khiển loại xe này, kể cả những đứa trẻ còn chưa học hết bậc THCS. “Xe mạnh nên mấy đứa nhỏ thích lắm, nó thích vượt nhanh. Ở đây đứa nào cũng biết chạy xe máy” - anh Điểu Chương ở thôn 8 cho biết.

Điều khiển xe máy độ chế nên chiếc mũ bảo hiểm cũng bị “bỏ quên”. Không mấy ai đội mũ bảo hiểm, nếu có, nó cũng chỉ là vật dụng treo trên móc xe. Để đối phó với cơ quan chức năng, khi được hỏi tại sao không đội mũ bảo hiểm, anh Điểu Thiện ở thôn Bù Rên trả lời: “Khi nào có công an đi tuần tra thì mình mới đội. Đi xe đường rẫy, đường ruộng không cần phải đội mũ bảo hiểm đâu”.

Khó xử lý

Phần lớn những trường hợp vi phạm giao thông đường bộ ở địa bàn nông thôn thuộc các hành vi người điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, kỹ năng điều khiển phương tiện kém, không hiểu biết về luật giao thông. Hơn nữa, hầu hết người gây tai nạn giao thông ở nông thôn trong độ tuổi thanh niên, chưa ý thức được trách nhiệm bảo đảm an toàn cho chính bản thân và người khác khi tham gia giao thông.

Trong khi đó, ở khu vực nông thôn như Bù Gia Mập, việc xử lý vi phạm giao thông của các ngành chức năng gặp rất nhiều khó khăn, do xe độ chế là phương tiện làm ăn chủ yếu của người dân. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên không thể mạnh tay xử lý triệt để. Ông Phạm Sỹ Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết: “Xã có 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, ý thức người dân trong việc chấp hành luật giao thông chưa cao. Chúng tôi luôn chỉ đạolực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, phương pháp chính vẫn là tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, song ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân chưa chuyển biến nhiều”. Lực lượng công an viên xã vẫn tuần tra hằng ngày, chủ yếu là để người dân thấy mà chấp hành tốt chứ không xử phạt bao nhiêu. Tuy nhiên, địa bàn xã rộng, lực lượng công an viên “mỏng” nên không thể tuần tra, kiểm soát hết các tuyến đường trong khu vực.

Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, tỷ lệ tai nạn giao thông trên đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ chiếm hơn 29% và đường làng, thôn, xóm chiếm 19%. Và 80% số vụ liên quan đến tai nạn xe máy. Vì vậy, để ngăn chặn nguy cơ tai nạn trên những tuyến giao thông nông thôn cần được các ngành chức năng quan tâm hơn, bắt đầu từ các giải pháp tuyên truyền sinh động, phong phú và đơn giản để người dân dễ tiếp cận, dần xây dựng nếp văn hóa giao thông ở khu vực nông thôn.

kieuanh

Nguồn: Báo Bình Phước

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)