Nam Định có hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa gồm 4 sông lớn: sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và các loại sông nhánh, kênh với tổng chiều dài 536km (không kể 1.130km kênh nội đồng), 1 cảng sông Nam Định và 1 cảng biển Thịnh Long. Toàn tỉnh có 101 bến khách ngang sông nội tỉnh và liên tỉnh với 82 phương tiện chở khách và nhiều cầu cảng, bến bãi bốc dỡ, kinh doanh vật liệu ven sông...
Tuyến đường thủy của tỉnh nằm trên hệ thống vận tải đường thủy nội địa quan trọng Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình nên có hàng trăm lượt tàu, thuyền/ngày, đêm qua lại. Tuy nhiên, các tuyến giao thông đường thủy nội địa của tỉnh ta không đồng cấp, khả năng kết nối liên hoàn với giao thông đường thủy vùng và toàn quốc chưa cao; hiện tượng khai thác cát, sỏi dưới lòng sông không theo quy hoạch hay sai quy trình công nghệ tác động tiêu cực đến luồng tuyến; hoạt động xếp dỡ hàng hoá và quản lý cảng, bến thuỷ nội địa vẫn còn nhiều bất cập; lực lượng phương tiện phát triển không đồng đều. Riêng kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn có mặt cắt rộng 20-30m là điểm kết nối lưu thông giữa hai sông lớn của tỉnh là sông Đáy và sông Ninh Cơ, có 3 cầu qua sông, mật độ tàu thuyền qua lại khá cao khoảng 200 lượt tàu thuyền/ngày đêm nhưng lại có cốt chênh lệch lớn tạo độ dốc làm thay đổi mạnh lưu lượng dòng chảy, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông. Trên toàn tuyến đường thủy nội địa của tỉnh ta có rất nhiều cầu, cảng, bến bãi bốc dỡ vật liệu, bến khách ngang sông... tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm, mất trật tự an toàn giao thông đường thủy.
Bến Đò Cau, xã Hải An (Hải Hậu) luôn chấp hành nghiêm các quy định bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ.
Với hệ thống giao thông đường thủy như trên nên công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy của tỉnh khá phức tạp. Vì thế, từ năm 2010 đến nay thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" gắn với bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa kịp thời, sát với thực tế của các địa phương. Thực hiện cuộc vận động, các cơ quan thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú các nội dung của phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"; Luật Giao thông đường thủy nội địa kết hợp với công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm trên tuyến đường thủy. Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với các địa phương duy trì hoạt động các mô hình: "Bến phà văn hóa - an toàn" (tại bến phà Sa Cao - Thái Hạc, xã Xuân Châu); "Bến đò văn hóa - an toàn" (tại bến đò Sòng, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường); "Đoạn, tuyến sông văn hóa - an toàn" (tại kênh Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng và tuyến sông Đào, Thành phố Nam Định); "Cầu phao Ninh Cường văn hóa, văn minh an toàn" (trên tuyến sông Ninh Cơ, huyện Trực Ninh). Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh) thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý người lái, phương tiện vận tải thủy và việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông trong vận tải đường thủy.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, lực lượng chức năng kết hợp tuyên truyền các quy định về trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh an toàn của phương tiện; xử lý người đi đò cố tình không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang theo dụng cụ nổi khi qua sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến thủy, bến khách khi không đủ điều kiện hoạt động an toàn như: thiếu giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái không phù hợp, không trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh… Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tích cực phối hợp với các sở, ngành hữu quan và chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn trật tự giao thông đường thủy, trọng tâm là hướng dẫn hành khách đi trên phương tiện thủy tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, tạo thói quen khi tham gia giao thông đường thủy. Chủ động xây dựng phương án, bố trí lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên.
Đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ thành công và kinh nghiệm của giai đoạn 1 (2010-2015) và qua 3 năm liên tiếp thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" giai đoạn 2015-2020, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành và UBND các địa phương nên tỉnh ta đã đạt được một số kết quả khả quan. Các mô hình bến phà, bến đò, cầu phao, đoạn tuyến sông văn hóa - an toàn, văn minh đã được duy trì và phát huy hiệu quả. Kết quả nổi bật là nhiều năm liền tỉnh ta không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy, đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản, phương tiện vận tải khách ngang sông. Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các địa phương đã chặt chẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng đã góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa".
Phát huy những kết quả đã đạt được, hưởng ứng Chương trình hành động số 100/CTHĐ-UBATGTQG ngày 15-3-2019 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” năm 2019 cũng là năm thứ 9 liên tục.
Từ kinh nghiệm triển khai các năm trước, để nâng cao hiệu quả thực hiện Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề ra 7 nhóm giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" năm 2019 là: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Đảng, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các văn bản pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện cuộc vận động, qua đó góp phần phòng ngừa, giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Lồng ghép thực hiện cuộc vận động với các phong trào liên quan như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Ba an toàn về an ninh trật tự", "Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em"... nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên đường thủy nội địa. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra liên ngành, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp phương tiện, công trình giao thông có nguy cơ mất an toàn như: cảng, bến cảng không phép, không đảm bảo điều kiện an toàn; phương tiện thủy không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền. Phát động phong trào thực hiện cuộc vận động xây dựng "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước" tại các cảng, bến thủy nội địa, các khu dân cư sinh sống ven sông... Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy (phương tiện không đăng ký; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm các quy định về mặc áo phao, dụng cụ nổi cầm tay...). Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các ngành chức năng,
UBND các địa phương tăng cường công tác kiểm tra các bến thủy nội địa, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, kiên quyết đình chỉ hoạt động các phương tiện không đảm bảo an toàn theo quy định. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố mở các đợt tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khi tham gia giao thông đường thủy phải mặc áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh; đôn đốc chính quyền các xã, phường, thị trấn phối hợp với các lực lượng chức năng tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định bảo đảm giao thông đường thủy; phát triển và nhân rộng phong trào phổ cập môn bơi cho học sinh các cấp học, trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh. Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 5 phối hợp với lực lượng liên ngành giao thông đường thủy định kỳ và đột xuất kiểm tra, rà soát các điểm cong cua, khan cạn và các công trình xây dựng đang thi công để phát hiện sớm những bất cập phát sinh, kịp thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động vận tải đường thủy trên cả 4 tuyến sông và kênh Quần Liêu./.