Chiều 3/6, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa chủ trì cuộc họp công tác bảo đảm an toàn giao thông(ATGT) 5 tháng năm 2019, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Tham dự có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh; Lê Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan của tỉnh cùng các địa phương trong tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh phát biểu kết luận cuộc họp.
5 tháng đầu năm 2019, các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực triển khai, thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hạ tầng giao thông được quan tâm sửa chữa, các tuyến giao thông đô thị được tổ chức phân luồng hợp lý. Hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm được tăng cường. Chủ động thực hiện công tác thông tin, tuyên tuyền chấp hành pháp luật an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 252 vụ tai nạn giao thông và va chạm giao thông, làm chết 85 người, bị thương 233 người, tăng 44 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tai nạn giao thông đường bộ chiếm 92% về số vụ, 96% số người chết, 90% người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do vi phạm tốc độ, vi phạm phần đường, thiếu quan sát, chuyển hướng không quan sát...
Công tác quản lý lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông, quản lý phương tiện và người lái xe, kiểm soát tải trọng vẫn còn hạn chế. Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn chưa tạo sức lan tỏa rộng...
Tại cuộc họp các đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm an toàn giao thông trong 5 tháng và đề xuất giải pháp nhằm bảo đảm an toàn trật tự giao thông những tháng cuối năm 2019, gồm: Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, đăng kiểm. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Công tác quản lý học sinh đến trường bằng xe máy, xe đạp điện và bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông cổng trường học. Kiểm soát tải trọng, xử lý các phương tiện quá niên hạn sử dụng, hết hạn lưu hành, xe tự chế hoạt động trên địa bàn tỉnh. Quản lý hành lang, lòng lề đường, vỉa hè...
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh rất phức tạp, tăng cả 3 tiêu chí, nhất là trong dịp tết đã xảy vụ giao thông nghiêm trọng. Tình trạng tắc đường, lấn chiếm lòng lề đường có biểu hiện gia tăng. Nguyên nhân gia tăng tai nạn giao thông, do phương tiện tăng nhanh, hạ tầng giao thông một số nơi chưa hợp lý, có nhiều điểm sang đường trở thành điểm đen tai nạn giao thông, tốc độ quy định ở một số điểm chưa hợp lý; ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn yếu, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông chưa đủ sức răn đe. Việc triển khai xử lý các điểm đen của các ngành liên quan chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các địa phương còn yếu. Sự phối hợp của các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông chưa hiệu quả.
Trong thời gian tới, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng yêu cầu, Công an tỉnh trên cơ sở kế hoạch của ngành, xây dựng kế hoạch ra quân cao điểm về bảo đảm an toàn giao thông.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền, ký cam kết với các ngành trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Từ 10/6 đến 10/9 ra quân thực hiện bảo đảm an toàn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch thực hiện giao thông thông minh hướng tới phạt nguội vi phạm giao thông trên địa bàn tỉnh. Tập trung xử lý, khởi tố một số vụ vi phạm an toàn giao thông nghiêm trọng và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường phối hợp với các ngành của tỉnh, các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông. Sở GTVT rà soát các vi phạm về đăng ký, đăng kiểm, xe hết hạn để xử lý theo quy định và các vi phạm của các tổ chức, cá nhân về vi phạm tải trọng, điều kiện hành nghề. Khai thác các dữ liệu giám sát hành trình để xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra về chất lượng đào tạo lái xe và hành lang an toàn giao thông. Xây dựng kế hoạch chi tiết xử lý các điểm đen về an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét. Tham mưu cho UBND tỉnh về trách nhiệm người đứng đầu trong việc duy trì quản lý hành lang an toàn giao thông.
Các sở, ngành có liên quan của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong các đợt cao điểm. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan tăng thời gian giảng dạy về an toàn giao thông, bảo đảm 100% học sinh ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đoàn thanh niên và Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông và 100% đoàn viên, thanh niên, công nhân cam kết chấp hành pháp luật an toàn giao thông.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp tuyên truyền về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức. Tập trung xử lý lấn chiếm lòng lề đường và kế hoạch xử lý các điểm đen do địa phương phụ trách và báo cáo qua Ban An toàn giao thông tỉnh trước ngày 30/6. Phối hợp với các lực lượng xử lý xe quá khổ, quá tải, xe tự chế, quá niên hạn, nắm bắt thống kê các đối tượng vi phạm an toàn giao thông đưa vào đối tượng quản lý.