Ngày 6/6/2019, đồng chí Nguyễn Văn Khước, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đi kiểm tra, rà soát tình hình đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh chưa có gác chắn dọc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa phận tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước kiểm tra việc đảm bảo ATGT
tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh chưa có gác chắn
tại xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai là tuyến đường sắt liên vận quốc tế nối Hà Nội với các tỉnh trung du, miền núi Tây Bắc, chạy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài 32 km, với 10 điểm đường ngang có gác chắn; 21 vị trí đường ngang, trong đó có 16 đường ngang dân sinh và 5 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Vĩnh Tường. Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, nhưng tại các địa điểm đường ngang này vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.
Qua kiểm tra thực tế tại các vị trí đường ngang dân sinh chưa có gác chắn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước yêu cầu lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường sắt; tập trung giải tỏa các vi phạm, thường xuyên phát quang cây cối, không để che khuất tầm nhìn và bố trí lực lượng trực chốt tại các điểm giao cắt để người dân đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn.
Đồng chí cho rằng, việc làm hầm chui dân sinh tại điểm giao cắt vị trí Km39+830 qua địa phận phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên là chưa phù hợp; đồng chí yêu cầu địa phương và ngành chức năng thực hiện phát quang hai bên hành lang để người dân dễ dàng quan sát khi qua lại; bố trí biển cảnh báo, gác chắn tự động. Tại các vị trí Km43+265 qua thôn An Lão, xã Sơn Lôi và Km48+700 qua thôn Giữa, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Bình Xuyên làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng đường gom dân sinh và làm hệ thống gác chắn tự động. Đặc biệt, đối với điểm giao cắt tại Km66+860 qua địa phận xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, do lưu lượng người và phương tiện lưu thông lớn nên giao các đơn vị chức năng nghiên cứu để nâng cấp từ lối đi tự mở thành đường ngang có người gác.
Một số điểm như: Km63+850 qua xã Chấn Hưng và 68 +000 qua xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường giao các ngành chức năng nâng cấp từ đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động, lắp cần chắn tự động; bố trí lực lượng quần chúng chốt gác tại đường ngang biển báo Km46 +070 qua thôn Vam Dộc, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên; xây dựng đường gom bên trái từ Km43+626, Km44+050 và bên phải từ Km43+500, Km44+050 nối vào đường ngang có người gác Km44+050 sẽ xóa bỏ được 2 lối đi tự mở Km43+626 và Km43+860...