Nhiều năm qua, tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để dựng rạp mỗi dịp có hiếu, hỷ, liên hoan… diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Dù hành vi này vi phạm hành lang an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, song vẫn không bị xử lý.
Một hộ dân vô tư dựng rạp đám cưới dài đến 20m, ngay
đầu khúc cua và chiếm hết diện tích một làn đường tại địa bàn xã Thăng Long (Nông Cống).
Vào những ngày "tốt" đi dọc trên nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh, người đi đường không khó để bắt gặp những ‘chướng ngại vật’ trên đường là những rạp cưới, liên hoan rực rỡ sắc màu được dựng ngay trên đường. Hộ dân nhà ở mặt đường, nếu tổ chức tiệc nhỏ thì chiếm dụng vỉa hè, còn nếu lớn thì lấn cả một làn đường. Nhà trong hẻm thì dựng rạp đôi khi "chặn gọn" hết cả lối đi. Lòng đường vốn dĩ dành cho các phương tiện lưu thông thì giờ được ‘tận dụng’ trở thành nơi dành cho khách ngồi ăn tiệc, kể cả dựng sân khấu để phục vụ chương trình hôn lễ. Đường bị chiếm dụng, buộc người đi đường chỉ còn cách chen chúc trong phần diện tích đường rất nhỏ hẹp còn lại, hoặc phải tìm hướng đi khác.
Trong khi người đi đường phải căng mình để lách ra khỏi đám đông, đường hẹp, thì gia chủ và quan khách cụng ly, nói cười, ăn uống trong tiếng nhạc ầm ĩ ngay dưới lòng đường. Tuy nhiên, đằng sau cái không khí náo nhiệt của buổi hôn lễ, là không ít những nguy hiểm, không chỉ đe dọa sự an toàn của người tham gia giao thông mà ngay cả những người đi dự tiệc. Bởi, biên độ an toàn chỉ là một bức rèm lụa mong manh.
Ngoài việc dựng rạp để tổ chức những bữa tiệc cưới, tiệc liên hoan, nhiều hộ gia đình cũng dựng rạp để tổ chức việc tang gia. Những bộ khung rạp vô tư dựng lên giữa lối đi, bỏ mặc cho những người tham gia giao thông đối diện với nguy cơ xảy ra tai nạn.
Mặc dù, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ tai nạn giao thông thông nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ việc dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương trên cả nước, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, nhẹ thì gây thương tích cho người tham gia giao thông và người tham dự tiệc hiếu, hỷ, nặng thì gây chết người. Và những vụ tai nạn như thế này cứ ngỡ sẽ là tiếng chuông cảnh báo cho nhiều người có ý định dựng rạp lấn chiếm lòng, lề đường, song dường như lời cảnh báo là chưa đủ mạnh, chưa đủ răn đe để người dân rút ra bài học, nên tình trạng này không những không giảm đi mà ngày càng có xu hướng phổ biến.
Việc dựng rạp trên lòng đường không chỉ gây mất mĩ quan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông mà còn là nguyên nhân gây mâu thuẫn dẫn đến các va chạm đáng tiếc. Anh Nguyễn Thái, trú tại Xã Thăng Long (Nông Cống) chia sẻ trong tâm trạng bức xúc sau khi cãi vã to tiếng với một người trong gia đình đang có tiệc cưới và dựng rạp lấn chiếm hết một làn đường: “Việc dựng rạp trên vỉa hè hoặc một phần diện tích nhỏ dưới lòng đường, chúng ta có thể thông cảm được vì điều kiện kinh tế của họ không cho phép thuê địa điểm để tổ chức. Nhưng nhiều lần đi đường, gặp những hộ dân lấn chiếm hẳn một làn đường và kéo dài trong mấy ngày liên tục, gây cản trở và mất an toàn giao thông, đặc biệt, có những rạp được dựng ngay khúc cua mà nếu người đi đường không thông thạo đường sá thì rất khó để xử lý”.
Nguyên nhân của vấn đề này là do thói quen tâm lý của người dân sinh sống dọc hai bên đường với suy nghĩ việc hỉ thì “trăm năm mới có một lần”, thêm nữa điều kiện kinh tế gia đình có hạn, không thể thuê mượn địa điểm tổ chức sự kiện chuyên nghiệp; việc hiếu thì do “tang gia bối rối” và thời gian “lợi dụng” mặt đường cũng không kéo dài; đối với cơ quan quản lý, nhất là cán bộ cơ sở còn thiếu kiên quyết... vì tư duy “trăm cái lý không bằng tí cái tình”, khi nhà dân đang có việc, “người làng, người xã thân quen cả”… nên công tác chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo Khoản 4, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm như dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ…
Điều đáng chú ý, trong trường hợp việc dựng rạp để phục vụ việc hiếu, hỉ lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 203 Bộ luật Hình sự về “Tội cản trở giao thông đường bộ”.
Quyết định số 4455/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người có vẻ như vẫn chưa biết hoặc phớt lờ quy định. Đồng thời, dường như chính quyền địa phương cũng ‘ngó lơ’ không quan tâm xử lý theo quy định.
Đành rằng, hiếu, hỷ là việc không thể thiếu trong mỗi gia đình và không phải ai cũng có điều kiện thuê nhà hàng, khách sạn để tổ chức, song mỗi người có ý thức sắp xếp cho hài hòa với lợi ích chung của mọi người, nhất là không chiếm dụng quá nhiều không gian chung, gây mất an toàn giao thông. Chính quyền các địa phương cũng cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông.