Ban ATGT đã phân tích, đánh giá tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai để có biện pháp kéo giảm số vụ tai nạn.
TNGT ở nút giao thông QL 25 giao cắt với đường HCM tuyến tránh Chư Sê.
TNGT giảm 3 tiêu chí
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh Gia Lai thống kê, 6 tháng đầu năm 2019 tình hình TNGT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, xử lý vi phạm TNGT nên TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, toàn tỉnh xảy ra 173 vụ, làm chết 118 người, bị thương 171 người. So với cùng kỳ năm 2018, giảm 17,22% số vụ (173/209, giảm 36 vụ), giảm 13,87% số người chết (118/137, giảm 19 người), giảm 20,83% số người bị thương (171/216, giảm 45 người).
Theo Ban ATGT tỉnh Gia Lai phân tích, tỉ lệ TNGT rất nghiêm trọng cũng giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, trong 12 vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, đã làm chết 26 người, bị thương 9 người.
Nguyên nhân gây ra TNGT (Liệt kê từ cao xuống thấp): Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định 172 lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT: Lấn đường, đi sai làn đường, phần đường 59/172 lỗi (chiếm 34,30%); không chú ý quan sát 38 lỗi (22,09%); vi phạm tốc độ 35 lỗi (20,35%); tránh, vượt dừng, chuyển hướng sai quy định 29 lỗi (16,86%); nguyên nhân khác 9 lỗi (5,23%); phương tiện không đảm bảo ATKT 2 lỗi (1,16%). Trong đó, có 7 vụ người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây tai nạn (chiếm 4,07%).
TNGT đối với người đồng bào giảm
Có đến 93,60% nguyên nhân gây ra tai nạn từ lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông. Các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT chiếm tỷ trọng cao như: Lấn đường, đi sai làn đường, phần đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ.
Tỉ lệ người đồng bào thiểu số tham gia giao thông gây TNGT vẫn giữ mức tỷ trọng cao chiếm tới 82/173 vụ (tỷ trọng 47,40%). Trong đó, làm chết 55/118 người (46,61%), bị thương 76/171 người (44,44%). So với cùng kỳ năm 2018, giảm 14,58% số vụ (82/96, giảm 14 vụ), giảm 19,12% số người chết (55/68, giảm 13 người), giảm 13,64% số người bị thương (76/88, giảm 12 người).
Ban ATGT tỉnh Gia Lai chỉ ra nhiều nguy cơ mất ATGT, đồng thời đề ra các phương án xử lý rốt ráo như: Tình trạng người điều khiển phương tiện chở nhiều người, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng vẫn còn xảy ra; tình trạng sử dụng xe mô tô cũ không bảo đảm an toàn làm phương tiện đi lại...
Về hiện tượng mất ATGT tại các nút giao giữa đường dân sinh với quốc lộ, đường tỉnh, theo Ban ATGT tỉnh, trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ TNGT tại các nút giao với đường Hồ Chí Minh - tuyến tránh đô thị Pleiku và huyện Chư Sê gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng đã uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn diễn ra. Công tác quản lý xe máy kéo nhỏ, phương tiện thủy nội địa còn lúng túng, bất cập do chưa được hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành Trung ương. Việc phối hợp xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ chưa được các địa phương quan tâm, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ xử lý dứt điểm.
Xe khách loại 16 ghế ngồi chạy vi phạm tốc độ, vòng vo đón trả khách vẫn còn; xe tải vi phạm quá khổ, quá tải vẫn còn xảy ra nhiều trong mùa vụ thu hoạch nông sản. Hiện tượng dựng khung rạp trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng che khuất tầm nhìn, làm gây mất ATGT; tình trạng ném đá xe khách có dấu hiệu tái diễn.