Qua công tác xử lý tai nạn, lực lượng cảnh sát giao thông nhận thấy các vụ tai nạn và va chạm giao thông mà nguyên nhân do vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Ninh Bình chiếm khoảng 30% và đều là những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng về người, sức khỏe và kinh tế; có những vụ tai nạn giao thông lái xe uống say gây tai nạn chết người.
Mùa nắng nóng, là thời điểm gia tăng tình trạng người dân sử dụng nhiều rượu bia, nhưng vẫn tham gia giao thông. Để phòng ngừa các vụ tai nạn giao thông xảy ra do sử dụng bia, rượu, Công an thành phố Ninh Bình đã ra quân thực hiện đợt cao điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn.
Công an thành phố Ninh Bình lập biên bản xử lý vi phạm.
“Uống một lon bia giá 2,5 triệu đồng”
Bị cảnh sát giao thông lập biên bản, xử lý vi phạm nồng độ cồn với mức xử phạt 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày do đã vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông mức 1 với nồng độ cồn 0,102mg/lít khí thở, anh Trần Quang Trung (phường Đông Thành, TP Ninh Bình) phân trần: Tôi chỉ uống 1 lon bia ở nhà cho đỡ khát rồi xuống xưởng kiểm tra, sau lần này chắc tôi sẽ nhớ và thực hiện nghiêm quy định. Tối ngày 19/6, có mặt tại chốt kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình trên đường Lê Đại Hành, chúng tôi nhận thấy hầu hết các phương tiện như xe khách, taxi, ô tô cá nhân… đều được CSGT yêu cầu dừng xe để đo nồng độ cồn của người lái. Hơn 2h kiểm tra, tuy chỉ phát hiện 3 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhưng qua theo dõi chúng tôi thấy có một vài xe ô tô đã kịp quay đầu trốn tránh chốt kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông. Một trong những lái xe quay đầu trốn chốt kiểm tra, được lực lượng phối hợp của Công an thành phố “đón lõng”, yêu cầu dừng xe đưa về chốt kiểm tra là lái xe Đoàn Thanh H (phường Phúc Thành), biển kiểm soát 30U – 7926, anh H cho biết: Tôi có uống 1 cốc bia trước khi lái xe tham gia giao thông, khi thấy chốt kiểm tra của lực lượng chức năng tôi lo lắng nên mới quay xe đi, sau một hồi vận động, tuyên truyền mới kiểm tra được nồng độ cồn của lái xe này, kết quả cho thấy nồng độ cồn là 0,105mg/lít khí thở, tương đương mức vi phạm 1 và bị xử mức phạt tương tự tình huống của lái xe Trần Quang Trung. Có thể thấy lái xe Đoàn Thanh H vẫn biết Luật giao thông, nhưng cố tình vi phạm. Một chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại chốt cho biết: Ai khi kiểm tra và vi phạm nồng độ cồn cũng nói, tôi chỉ uống có một cốc bia hay một chén rượu. Nhưng qua kiểm tra để xác định nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì chỉ uống bằng đó đã đủ vi phạm và bị xử lý.
Đại úy Trương Minh Khôi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Ninh Bình cho biết: Qua kiểm tra thực tế, cho thấy tình trạng vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn thành phố còn diễn ra phổ biến, mức độ vi phạm thường ở mức 1 và mức 2, cá biệt có trường hợp vi phạm ở mức 3. Từ 1/6 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố đã kiểm tra 326 lượt phương tiện, trong đó phát hiện, xử lý 13 trường hợp vi phạm, tạm giữ 13 xe ô tô, phạt tiền 91.000.000 đồng. Trong đó, có 3 trường hợp vi phạm mức 3, bị phạt với mức cao nhất là 17 triệu đồng, tạm thu phương tiện.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Thời gian qua Công an thành phố Ninh Bình đã thực hiện nhiều đợt cao điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn, trong đó gần đây nhất là ngày 1/6, Công an thành phố Ninh Bình đã ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm, đảm bảo ANTT, TTATGT và trật tự đô thị. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo Công an thành phố ban hành Kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà vi phạm nồng độ cồn; kiện toàn Tổ công tác 191 về tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, xử lý thanh thiếu niên vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Yêu cầu cán bộ, chiến sỹ nêu cao tinh thần làm việc; quá trình thực hiện nhiệm vụ chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng duy trì Tổ công tác 191 để xử lý kịp thời các trường hợp chống đối và tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; xử lý vi phạm giao thông theo các chuyên đề: mũ bảo hiểm, chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, xe ô tô đỗ đậu sai quy định, vi phạm nồng độ cồn,…
Bên cạnh đó, xác định vị trí đặt chốt đo nồng độ cồn hợp lý và phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ một cách khoa học, đảm bảo vị trí dừng xe an toàn mà vẫn hạn chế được các đối tượng trốn tránh, chống đối việc kiểm soát. Đối với các trường hợp lái xe có thái độ cố tình quay đầu bỏ trốn, Công an thành phố bố trí tổ công tác “đón lõng” tại các vị trí gần đó, để yêu cầu dừng xe và kiểm tra, quyết liệt xử lý các trường hợp vi phạm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý. Một tuần, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố lập 4 chốt kiểm tra nồng độ cồn tại các tuyến đường trọng điểm như đường Lê Đại Hành, Tràng An, Đinh Tiên Hoàng, 30/6 vào các giờ cao điểm...
Xác định tuyên truyền là yếu tố quan trọng, Công an thành phố đã phân công lực lượng tăng cường tổ chức tuyên truyền trực tiếp, lưu động, chú ý tuyên truyền trực quan khu vực có các doanh nghiệp vận tải, các cơ quan, đơn vị, trường học, các tổ dân phố, các nơi công cộng... các quy định về nồng độ cồn và những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông từ rượu, bia. Với tinh thần làm việc trách nhiệm, kiên quyết của lực lượng Công an thành phố, tình hình vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đang hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, các hành vi vi phạm về nồng độ cao nhất, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng. Hy vọng, dự thảo sẽ sớm được thông qua và đủ sức răn đe các tài xế còn coi thường tính mạng bản thân và người khác.