Hàng năm, UBND huyện Thường , Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn có các bến đò ngang, phương tiện thủy trên các tuyến sông, kênh; trên lòng hồ Cửa Đạt, hồ thủy điện Xuân Minh, thực hiện nghiêm quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ). UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông ĐTNĐ cho nhân dân trên địa bàn; các tổ chức, cá nhân đang tham gia kinh doanh vận tải hành khách ngang sông, khách du lịch, các phương tiện vận tải đường thủy chở hàng hóa trên địa bàn quản lý.
Huyện Thường Xuân tăng cường công tác bảo đảm
an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn Hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt
UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các bộ phận, cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa chở khách du lịch. Đồng thời, phối hợp với công an huyện rà soát, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến đò ngang; phương tiện đường thủy chở khách không đủ điều kiện an toàn, như: Bến hoạt động trái phép; đò ngang, phương tiện thủy chở khách du lịch chưa đăng ký, đăng kiểm, không trang bị áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi; người điều khiển phương tiện, thuyền viên không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Cử cán bộ hướng dẫn và giám sát việc bảo đảm an toàn giao thông ở bến khách ngang sông có mật độ khách cao, các tuyến sông, vùng hồ hoạt động chở khách tham quan, du lịch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người theo quy định.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 sông chảy qua là sông Chu, sông Đằn, sông Khao, sông Âm; nhìn chung các sông nhỏ, có độ dốc lớn; mùa cạn, chiều rộng lòng sông hẹp, độ sâu trung bình 1,5m, do đó giao thông đường thủy rất hạn chế; mùa lũ, nước sông lớn, dòng chảy mạnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có nhiều ao, hồ, suối nên tình hình trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ trên địa bàn khá phức tạp. Trên địa bàn huyện có 5 bến đò ngang, gồm: Bến trại Nam, bến Đìn, bến Tổ Rồng, bến Ngọc Phụng chưa được cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông; riêng bến trên lòng hồ Cửa Đạt đã được cấp phép.
Nhìn chung, đường lên xuống các bến đò ngang trên địa bàn là đất, kết cấu giản đơn. Trên địa bàn có 73 phương tiện thủy nội địa; trong đó, trên lòng hồ Cửa Đạt 39 phương tiện các loại (cá nhân 29 phương tiện, các tổ chức là 10 phương tiện) và đã đăng kiểm được 54 phương tiện. Kỹ thuật an toàn phương tiện giao thông ĐTNĐ có chuyển biến do số lượng phương tiện chở khách dần tự loại bỏ, một số phương tiện nhỏ chở cát ngừng hoạt động và thay thế bằng phương tiện có công suất lớn hơn, trang thiết bị tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế hoạt động ĐTNĐ trên địa bàn huyện Thường Xuân, cho thấy: Trình độ văn hóa của đội ngũ thuyền viên thấp nên khó khăn trong việc đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Phương tiện giao thông ĐTNĐ không nhiều nhưng hoạt động rải rác trên nhiều tuyến sông, công tác tuần tra, kiểm soát, các biện pháp xử lý của các lực lượng chức năng còn hạn chế; nhiều phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động. Các xã, thị trấn có hoạt động ĐTNĐ chưa quan tâm đúng mức trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để vận động người dân làm nghề sông nước, chủ phương tiện chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ. Nhiều xã gặp khó khăn trong việc tổ chức đăng ký các phương tiện nhỏ theo phân cấp, nhất là các phương tiện hoạt động đan xen giữa đánh bắt, khai thác thủy sản và chở hàng hóa khi có nhu cầu ở trên hồ, trên sông.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong lĩnh vực bảo đảm an toàn giao thông ĐTNĐ giữa UBND các xã, thị trấn với đơn vị quản lý chuyên ngành chưa đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật. Đa số các phương tiện chở khách, chở cát là của tư nhân, người điều khiển phương tiện giao thông ĐTNĐ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ học vấn thấp, sử dụng phương tiện giao thông ĐTNĐ theo tình trạng mưu sinh, tự phát, cha truyền con nối..., gây khó khăn trong công tác quản lý chuyên ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng còn thiếu thường xuyên, liên tục. Việc xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, chủ phương tiện không đến thực hiện việc xử phạt, không có điều kiện neo đậu, bảo quản khi tạm giữ phương tiện.
Thời gian tới, huyện Thường Xuân tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ.
Triển khai cụ thể các nội dung, kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ đến các xã, thôn, bản, khu phố và từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến sông, hồ trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định, vi phạm các quy định về đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với công an huyện, hạt quản lý ĐTNĐ Cửa Đạt xử lý nghiêm các hộ dân và các tổ chức vi phạm, như: Không bảo đảm điều kiện an toàn của phương tiện thủy theo quy định, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định, vi phạm các quy định về đăng kiểm, đăng ký.
Các ngành là thành viên ban an toàn giao thông huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện các phương tiện thủy không bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định... Đồng thời, thực hiện việc báo cáo định kỳ, đột xuất vi phạm, kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện thủy nội địa vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ gắn với việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu theo quy định.