Vĩnh Phúc: Đảm bảo ATGT tại các điểm giao giữa đường sắt và đường ngang dân sinh

Thứ sáu, 23/08/2019 10:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có chiều dài khoảng 32km. Ngoài 10 điểm đường ngang có gác chắn, 6 điểm đường ngang có cảnh báo, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 16 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh chưa có gác chắn hoặc chưa có cảnh báo tự động. Thực hiện Nghị quyết số 40/2018 của HĐND tỉnh, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động lực lượng quần chúng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt này, qua đó đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Lực lượng quần chúng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông
tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang dân sinh

Huyện Vĩnh Tường có tổng số hơn 9km đường sắt chạy qua thuộc địa bàn các xã: Yên Bình, Nghĩa Hưng, Chấn Hưng, Việt Xuân và Yên Lập. Trong đó, 2 điểm tại Yên Bình và Nghĩa Hưng có gác chắn và có nhân viên đường sắt trực, còn lại 5 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ không có gác chắn, Công an huyện Vĩnh Tường đã huy động lực lượng quần chúng tham gia hướng dẫn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo Nghị quyết 40 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Mỗi điểm gồm 3 người tham gia trực 24/24 giờ/ngày.

Theo đánh giá của Công an huyện Vĩnh Tường, việc huy động lực lượng quần chúng tham gia canh gác tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường ngang dân sinh đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại địa bàn. Đồng thời, khi gặp sự cố về giao thông đường sắt cũng như đường bộ hoặc có vấn đề gì xảy ra tại các điểm giao cắt, lực lượng canh gác đã kịp thời thông tin để có sự phối hợp giúp đỡ. Từ đầu năm đến nay, mặc dù tại các điểm nút giao cắt, lưu lượng người tham gia giao thông khá lớn, nhưng mới chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường sắt giữa tàu hỏa và xe ô tô, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn.

Thiếu tá Trần Mạnh Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Vĩnh Tường cho biết: “Khó khăn lớn nhất của lực lượng quần chúng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ tại địa bàn huyện là trình độ chuyên môn không cao, trong khi công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chưa được các cơ quan chuyên môn quan tâm đẩy mạnh. Ban An toàn giao thông tỉnh, Công ty cổ phần Đường sắt Việt Nam cần tiếp tục tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng này. Đồng thời, Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với Công an các xã thường xuyên kiểm tra sổ ghi nhật ký phản ánh tình hình tại khu vực; trong sổ thể hiện được phân công công việc, lịch trình tàu qua chốt… Có như vậy, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ mới đạt hiệu quả cao nhất”.

Còn tại địa bàn thành phố Vĩnh Yên cũng có 5 điểm giao nhau giữa đường sắt và đường ngang dân sinh không có gác chắn thuộc các phường: Đồng Tâm, Tích Sơn và xã Định Trung. Tại các điểm giao cắt này, Công an thành phố Vĩnh Yên đã huy động 15 quần chúng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Hằng tháng, Công an thành phố tiến hành chấm công, tổng hợp gửi lên Công an tỉnh để chi hỗ trợ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra tại các điểm chốt; hướng dẫn lực lượng này trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông tại các chốt đường ngang dân sinh, lối tự mở; thường xuyên đôn đốc việc phát quang xung quanh khu vực, vị trí gác để tránh che khuất tầm nhìn nhằm đảm bảo tốt nhiệm vụ canh gác. 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ tai nạn giao thông tại các chốt giao nhau giữa đường sắt với đường ngang dân sinh.

Theo Công an thành phố Vĩnh Yên, thực hiện Nghị quyết 40 của HĐND tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Hiện đơn vị đã đề nghị với cấp trên tiếp tục quan tâm,  trang bị thêm các điều kiện cần thiết về công cụ, phương tiện phục vụ lực lượng quần chúng làm nhiệm vụ, nhất là những thiết bị dễ hư hỏng do thời tiết như áo đi mưa, đèn báo hiệu, đèn pin, mũ cứng,…

Số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 điểm giao nhau giữa đường sắt và đường bộ không có nhân viên đường sắt gác chắn tại các huyện: Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Yên Lạc và 2 thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên. Công an tỉnh đã chỉ đạo huy động tổng số 48 quần chúng tham gia làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm chốt giao nhau. Mỗi điểm có 3 người gác trực 24/24 giờ. Văn phòng Công an tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông thường xuyên kiểm tra lực lượng quần chúng tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các chốt trong việc thực hiện ca trực, phân công nhiệm vụ và ghi chép lịch trình hằng ngày; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đồng thời, đôn đốc Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiểm tra hằng tháng cũng như đột xuất nhằm đảm bảo tốt nhất trật tự an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.

hoavt

Nguồn: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)