Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh có khổ đường 1m, chạy song song với các Quốc lộ 21A cũ và Quốc lộ 10 với chiều dài 41,15km, đi qua 3 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định.
Trên dọc tuyến xuất hiện ngày càng nhiều khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp trong khi nhiều đoạn chưa có đường gom nên phát sinh nhiều đường ngang dân sinh, mở lối đi trực tiếp qua đường tàu. Do vậy, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến thời gian qua rất phức tạp.
Đảm bảo an toàn giao thông đường sắt bằng giàn chắn đẩy thủ công
tại nút giao Văn Cao - Giải Phóng - Song Hào (thành phố Nam Định).
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, toàn tỉnh có 44 đường ngang, 291 lối đi tự mở, trung bình 140m đường sắt có 1 điểm giao cắt, có nhiều vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt; tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh năm 2017 xảy ra 19 vụ làm 19 người chết và 7 người bị thương; năm 2018 xảy ra 9 vụ làm 8 người chết và 4 người bị thương; 7 tháng năm 2019 xảy ra 4 vụ làm 4 người chết; tai nạn giao thông đường sắt đã từng bước được kiềm chế qua các năm; hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các vị trí đường ngang và lối đi tự mở qua đường sắt.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang, lối đi tự mở không chú ý quan sát tàu hỏa; có trường hợp ngồi chơi hoặc làm việc cá nhân trên đường sắt vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Thực hiện Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 16-5-2019 của UBND tỉnh và các văn bản Kết luận số 45-KL/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 29-3-2019 đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2019-2021 của UBND tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, phổ biến Luật Đường sắt năm 2017 và các nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thi hành Luật.
Trước tình hình phức tạp về tai nạn giao thông đường sắt trên cả nước và tại địa bàn, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên, Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã biên soạn tài liệu, phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền lưu động tại các địa bàn, vị trí trọng điểm nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi đi qua đường sắt. Các địa phương có đường sắt đi qua cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt, các tình huống gây tai nạn, các hiểm họa trên tuyến đường sắt… cho nhân dân; tổ chức cho các hộ dân sống hai bên đường sắt ký cam kết thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông đường sắt, không tự ý mở đường ngang, không lấn chiếm hành lang đường sắt.
Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương, kiểm tra hệ thống đường ngang dân sinh, kịp thời phát hiện, bổ sung biển báo, kẻ vạch dừng và tổ chức cảnh giới tại những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Đồng chí Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cho biết: Để tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, Công ty thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan; in 300 cuốn sách (các nội dung về Luật Đường sắt 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật) phát miễn phí cho các xã, phường, thị trấn và các trường học dọc tuyến đường sắt đi qua.
Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt qua đường sắt là điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt, thực hiện các biện pháp cụ thể để khắc phục như thu hẹp, cắm biển cảnh báo "chú ý tàu hỏa" hoặc xóa các lối đi tự mở, giải tỏa vật cản che khuất tầm nhìn; đề xuất xây dựng các đường gom và hàng rào ngăn cách đường sắt với các khu dân cư. Công ty còn phối hợp với Đội Thanh tra An toàn số 3 (Cục Đường sắt Việt Nam) và lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, các phương tiện đậu, đỗ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Thường xuyên phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, lối đi tự mở qua đường sắt, lập biên bản đình chỉ và tổ chức tháo dỡ vi phạm. Công ty đã phối hợp với các đơn vị trong ngành đầu tư nâng cấp 11 đường ngang (từ đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động (bằng âm thanh) có lắp đặt cần chắn tự động); xóa bỏ 19 lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, thu hẹp 37 lối đi và cắm biển "chú ý tàu hỏa" ở 58 lối đi có nhiều phương tiện giao thông đường bộ qua lại; thi công xử lý điểm đen về an toàn giao thông đường sắt tại nút giao Km96+912, Khu công nghiệp Bảo Minh, xã Liên Minh (Vụ Bản); xây dựng gồ, sơn kẻ vạch giảm tốc ở 7 vị trí đường ngang, lối đi tự mở nguy hiểm nhằm cưỡng bức giảm tốc độ, gây sự chú ý cho người đi qua đường sắt.
Trong những tháng cuối năm 2019, Công ty đang tiếp tục thực hiện các hạng mục: đầu tư 25 tỷ đồng xử lý 4 điểm đen về an toàn giao thông đường sắt đoạn qua huyện Vụ Bản (tại các vị trí: Km97+450, Km97+790, Km98+290 thuộc địa phận xã Liên Minh và Km99+925 thuộc địa phận thị trấn Gôi); nâng cấp đường ngang (từ phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang có người gác) tại vị trí Km107+450, phía bắc ga Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên); nâng cấp 4 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động (tại các vị trí: Km76+405 thuộc xã Hiển Khánh, Km97+450 và Km97+790 thuộc xã Liên Minh của huyện Vụ Bản; Km106+075 thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên); tiếp tục xây dựng đoạn đường gom, hàng rào ngăn cách đường sắt với khu dân cư với tổng chiều dài 2,85km thuộc địa phận thành phố Nam Định và huyện Ý Yên.
Để thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt, thời gian tới Ban An toàn giao thông tỉnh yêu cầu các ngành thành viên, UBND các huyện và các địa phương có đường sắt đi qua thực hiện nghiêm các giải pháp: kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh qua đường sắt đấu nối trực tiếp vào đường chính, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, đường sắt; cương quyết không để phát sinh thêm lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; chủ động lập kế hoạch, thực hiện lộ trình xóa bỏ đường dân sinh, lối đi tự mở trái phép, xây dựng đường gom dọc tuyến đường sắt. Tăng cường công tác phối hợp với ngành Đường sắt triển khai công tác xã hội hóa thực hiện nhiệm vụ cảnh báo, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các điểm giao giữa đường bộ với đường sắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông./.