Số lượng phương tiện giao thông nhất là xe máy được sử dụng để đi học gia tăng mạnh trong thời gian gần đây tỷ lệ thuận với tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh. Điều này đang dấy lên những lo ngại về sự gia tăng tai nạn giao thông trong năm học mới trên địa bà tỉnh Thanh Hóa.
Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
về an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho học sinh
Nếu như những năm trước kia, xe đạp điện, xe máy điện là những loại phương tiện chính để đến trường của các em học sinh thì chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều gia đình đã chuyển hướng sang mua xe máy loại dưới 50cc cho con em mình đi học. Về giá cả, 1 chiếc xe máy loại dưới 50cc cũng có mức giá tương đương như một chiếc xe máy điện, nhưng về sự tiện lợi lại vượt trội hơn rất nhiều. Nắm bắt thị hiếu đó, các hãng xe máy đã cho ra đời rất nhiều chủng loại xe máy dưới 50cc, đa phần là các xe có xuất xứ từ Trung Quốc với hình thức tương tự như Honda Cub trước kia hay những loại xe đời mới hiện nay như Yamaha Exciter... Chỉ cần chưa đến 20 triệu là đã có thể sở hữu 1 chiếc xe máy dưới 50cc nhưng khi vận hành trên đường có thể đạt vận tốc trên 60km/h.
Hơn thế, theo quy định đối với xe máy dưới 50cc, người điều khiển không cần có giấy phép lái xe và cũng “bỏ qua” luôn quy định về tuổi của người điều khiển. Vì vậy nhiều gia đình mua sắm xe máy cho con em mình đi lại mà không cần phải đi học luật giao thông đường bộ. Không chỉ các em học sinh THPT mà ngay cả các em học sinh THCS cũng đã được bố mẹ mua sắm xe máy để đi học. Không cần có giấy phép lái xe, không phải trải qua bất cứ lớp học nào về luật giao thông đường bộ, các em vô tư đi xe máy đến trường. Mặc dù các trường nhất là bậc THCS, THPT đều có quy định không cho học sinh đi xe máy đến trường, điều này đồng nghĩa với việc sẽ không được để xe trong nhà xe của trường nhưng các em “không phải lo” khi phía ngoài cổng trường đã có rất nhiều hộ mở dịch vụ trông giữ xe cho các em.
Qua khảo sát thực tế vào đầu và cuối các buổi học, tình trạng vi phạm an toàn giao thông của các em học sinh hiện nay là rất đáng lo ngại. Không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, đi hàng ba – hàng năm, phóng nhanh, vượt ẩu, tụ tập dừng xe trên lòng đường... là những hình ảnh thường thấy tại một số khu vực cổng trường học trên địa bàn TP Thanh Hóa, nhất là tại các điểm như Trường THPT Nguyễn Trãi (đường Lê Hoàn, phường Điện Biên), THPT Đào Duy Từ (đường Lê Quý Đôn, phường Ba Đình), THPT Tô Hiến Thành, THPT Lam Sơn, THPT Lý Thường Kiệt (đường Lê Lai, phường Đông Sơn)... Cũng qua quan sát, số lượng xe máy loại dưới 50cc đã tăng đột biến và chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với xe máy điện, xe đạp điện. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Thanh Hóa, so với năm 2017 và 2018, số lượng xe máy 50cc đăng ký đã tăng gấp đôi; số lượng các vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông liên quan đến học sinh khi điều khiển xe máy cũng tăng hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước.
Điều này cho thấy ý thức về việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận học sinh còn hạn chế, yếu kém. Chị Nguyễn Thị Thúy ở phường Đông Thọ chia sẻ: Cháu nhà tôi vừa vào lớp 10, vì trường cách nhà hơn 4km do vậy gia đình đã quyết định mua xe máy cho cháu, thay vì xe máy điện để tiện hơn cho việc đi lại. Cháu cũng đã được bố tập cho đi xe máy trong thời gian ngắn nên cũng đã cơ bản điều khiển được phương tiện. Tuy nhiên, mới được hơn 1 tuần, trong lúc đi học cùng các bạn, do đi hàng ngang lại không làm chủ được tốc độ, cháu đã điều khiển xe máy tông vào phía sau xe ô tô taxi. Hậu quả cháu bị thương, xe máy hư hỏng và gia đình còn phải bồi thường cho chủ xe taxi nữa. Nay gia đình quyết định cho cháu đi xe đạp hoặc bố mẹ đưa đến trường”.
Những câu chuyện tương tự như chia sẻ của chị Thúy không hiếm. Nhiều học sinh được bố mẹ mua sắm xe máy để đi học nhưng cứ mỗi lần ra đường là cố tình vi phạm Luật Giao thông, rồi còn lôi kéo bạn bè “chạy láo” trên đường. Ngay từ đầu năm học mới 2019-2020, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa, công an các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều triển khai chương trình phối hợp với các nhà trường, tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ, nâng cao ý thức của các em học sinh khi tham gia giao thông.
Chương trình đã được triển khai rộng khắp, đúng kế hoạch, tuy nhiên việc có chấp hành hay không, ý thức có tốt hay không lại là một vấn đề khác. Công tác ra quân, xử phạt đối với các em học sinh vi phạm của các cơ quan chức năng vẫn còn chưa quyết liệt, chưa cụ thể. Bởi chỉ có xử phạt nghiêm khắc mới có tính răn đe, tránh tình trạng nay ra quân, tăng cường thì chấp hành nghiêm, hết đợt ra quân, vắng bóng lực lượng chức năng, mọi thứ “đâu lại vào đấy”. Việc xây dựng ý thức một cách lâu dài gặp rất nhiều khó khăn. Một phần cũng là do sự nuông chiều, tạo điều kiện quá đà của nhiều gia đình đối với các em, trong khi công tác giáo dục, phối hợp với nhà trường để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của các em học sinh lại rất hạn chế, hiệu quả thấp.
Từ đầu tháng 9 đến nay, Công an TP. Thanh Hóa đã triển khai đợt tuyên truyền giáo dục về an toàn giao thông cho các em học sinh, đồng thời đã ra quân xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm đều là các em học sinh. Trong khi đó, việc ra quân xử lý của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt, thường xuyên. Theo lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, giải pháp hàng đầu hiện nay đó chính là sự vào cuộc của lực lượng công an các địa phương trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của các em học sinh, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình để nâng cao ý thức của các em khi tham gia giao thông.
Các gia đình cũng cần có sự cân nhắc khi mua sắm phương tiện cho con em mình, nhất là xe máy. Các trường học cũng cần nghiêm túc thực hiện các quy định, quy chế đối với học sinh về việc điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Đối với bậc THCS, học sinh không được đi xe máy đến trường dù đó là xe dưới 50cc. Còn đối với học sinh THPT cần xây dựng quy chế rõ ràng. Công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng công an đối với các hành vi vi phạm của các em học sinh cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm khắc, có thông báo về nhà trường, gia đình.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày an toàn cho các em học sinh, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa ba bên: Lực lượng công an, nhà trường, gia đình. Có như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm an toàn giao thông, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, xây dựng ý thức tham gia giao thông một cách có trách nhiệm cho các em học sinh.