Trong 3 năm (2015 - 2017) trên địa bàn huyện Bá Thước, Thanh Hóa xảy ra 44 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 23 người, bị thương 49 người. Trước thực trạng trên, huyện đã xây dựng mô hình “An toàn giao thông cho học sinh đến trường” giai đoạn 2018 - 2020. Sau 1 năm thực hiện mô hình, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn cơ bản ổn định, số vụ vi phạm mà đối tượng là học sinh giảm mạnh so với cùng kỳ.
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện Bá Thước làm nhiệm vụ tuần tra,
kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Đến thị trấn Cành Nàng vào đúng giờ tan tầm, cán bộ, nhân viên và học sinh của các cơ quan, đơn vị, trường học đóng trên địa bàn thị trấn ra về đông đúc làm cho các tuyến đường trở nên chật chội. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tại các cổng trường học không hề thấy cảnh ùn tắc giao thông, không có cảnh dàn xe hàng hai, hàng ba đậu, đỗ giữa cổng trường hay giữa các trục đường như những nơi khác. Phụ huynh dựng xe sát 2 bên lề đường, học sinh đi từng hàng một ngay ngắn ra khỏi cổng trường.
Cùng chúng tôi chứng kiến cảnh tượng giao thông thông suốt, ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng, cho biết: Có được kết quả như ngày hôm nay là từ việc thực hiện Đề án xây dựng mô hình “ATGT cho học sinh đến trường” trên địa bàn huyện Bá Thước giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Đề án 1059). Là trung tâm hành chính của huyện nên thị trấn Cành Nàng có rất nhiều cơ quan, đơn vị, trường học đứng chân. Những năm trước đây, sau những giờ tan tầm, tình trạng ùn tắc giao thông thường diễn ra, đặc biệt là tại các cổng trường học tình trạng phụ huynh đưa, đón học sinh tụ tập đông, gây ách tắc giao thông. Các cháu học sinh THCS, THPT đi từng tốp dàn hàng hai, hàng ba... tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Từ đầu năm 2018 đến nay, thực hiện Đề án 1059, UBND thị trấn Cành Nàng đã chỉ đạo công an thị trấn phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, cơ quan, nhà trường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo đảm TTATGT. Tổ chức các hoạt động tìm hiểu pháp luật về TTATGT cho thanh, thiếu niên, cán bộ và nhân dân trong toàn thị trấn. Đồng thời, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên tuyến Quốc lộ 217 và các trục đường chính, trước cổng các nhà trường, trung tâm giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp; tuyên truyền trên loa truyền thanh của thị trấn... Kết quả là nhận thức của cán bộ, nhân dân và học sinh được nâng lên, 100% người dân, học sinh khối tiểu học, THCS, THPT đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thị trấn chỉ xảy ra 3 vụ va quệt giao thông nhẹ. Không có vụ va chạm hoặc tai nạn giao thông xảy ra đối với học sinh.
Khi được hỏi về Đề án 1059 của huyện Bá Thước, ông Hoàng Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT huyện, cho biết thêm: Huyện Bá Thước có 2 tuyến Quốc lộ 217, 15A chạy qua địa bàn 9 xã với tổng chiều dài 63 km; đường tỉnh dài gần 106 km; đường huyện hơn 111 km; đường liên xã trên 296km. Những năm trước đây, tình trạng vi phạm giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, liên xã còn diễn biến phức tạp. Tình trạng người dân không chấp hành Luật Giao thông đường bộ còn nhiều, vi phạm TTATGT đối với học sinh các trường THPT, THCS ngày càng gia tăng. Số vụ tai nạn giao thông gây chết người hoặc bị thương vẫn ở mức cao, tai nạn giao thông đối với học sinh chưa được đẩy lùi...
Trước thực trạng đó, UBND huyện Bá Thước đã ban hành Đề án xây dựng mô hình “ATGT cho học sinh đến trường” trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 giảm từ 85% – 95% số học sinh ở các trường học vi phạm Luật Giao thông đường bộ; giảm từ 15% - 20% số vụ tai nạn giao thông, trong đó tai nạn giao thông đối với học sinh giảm 90% trở lên; số lượng phương tiện đưa đón học sinh tại các cổng trường gây ắch tắc giao thông giảm 90% trở lên.
Vì vậy, các cấp, các ngành trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, tập trung ở các xã, nơi công cộng và ở các trường học trên địa bàn. Công an huyện bố trí 1 xe lưu động tuyên truyền 68 lượt về các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy, các nội dung của đề án; phối hợp với phòng văn hóa thông tin, hội luật gia huyện, huyện đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông cho gần 1.069 lượt người dân ở các xã và học sinh các trường học trên địa bàn huyện. In, sao 23 đĩa CD nội dung các quy định về tham gia giao thông cấp phát cho các xã, thị trấn để tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; tổ chức cho 13 nhà xe trên địa bàn ký cam kết đảm bảo chấp hành tốt các quy định của pháp luật về TTATGT và an toàn tính mạng của học sinh trên các phương tiện vận chuyển. Các xã, thị trấn kẻ vẽ 126 băng rôn, khẩu hiệu treo tại các tuyến đường liên xã, các trường học và nơi tập trung đông người trên địa bàn; tuyên truyền 1.347 lượt trên hệ thống truyền thanh; tổ chức cho 3.265 học sinh các trường học trên địa bàn ký cam kết chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ...
Đồng thời, Công an huyện đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo TTATGT. Năm 2018, lập biên bản vi phạm hành chính về TTATGT, ra quyết định tạm giữ 450 xe mô tô, 14 ô tô; tước 66 giấy phép lái xe A1, 25 giấy phép lái xe ô tô hạng C, D; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 886 trường hợp, với số tiền 578.895.000 đồng. Tăng cường kiểm tra các bến đò ngang qua sông Mã trên địa bàn huyện; tiến hành nhắc nhở 20 trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Có thể nói trong 1 năm thực hiện Đề án 1059, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Bá Thước cơ bản ổn định, học sinh các trường chấp hành tốt TTATGT đường bộ, số vụ vi phạm đối với học sinh giảm mạnh so với năm 2017. Nếu như năm 2017 số vụ vi phạm TTATGT đối với học sinh là 115 vụ thì năm 2018 chỉ còn 38 vụ. Tình trạng ách tắc giao thông tại các cổng trường sau giờ tan học xảy ra ít và sự chấp hành của phụ huynh đưa đón học sinh tốt hơn. Có thể nói, với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, thị trấn một cách đồng bộ, có hiệu quả đã tạo chuyển biến rõ nét trong quá trình bảo đảm TTATGT, hành lang giao thông trên địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, TTATGT trên địa bàn huyện, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương.