Thanh Hóa: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông những tháng cuối năm

Thứ tư, 09/10/2019 08:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngay từ đầu năm, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm trật tự, ATGT năm 2019 với chủ đề “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, mục tiêu giảm tai nạn giao thông từ 5 đến 10% về số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông so với năm 2018.

Cảnh sát giao thông Công an huyện Đông Sơn tăng cường tuần tra,
kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa trước mùa mưa bão 2019. Chỉ đạo các địa phương có đường sắt đi qua, các đơn vị chức năng tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt.

Các ngành thành viên Ban ATGT tỉnh, ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của ngành, địa phương; kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của tỉnh, các đơn vị quản lý đường bộ, đường sắt, đường thủy tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, ATGT. Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT bằng nhiều hình thức, phù hợp với các đối tượng, như: Dành thời lượng tuyên truyền trên báo chí, phát thanh, truyền hình; trên hệ thống truyền thanh cơ sở; treo băng zôn, khẩu hiệu trên các tuyến giao thông; in ấn cấp phát tài liệu, áp phích, tờ rơi; phát động cho học sinh các trường xây dựng văn hóa giao thông, tham gia cuộc thi “giao thông học đường”.

Theo số liệu tổng hợp của Văn phòng Ban ATGT tỉnh, 9 tháng năm 2019 (từ ngày 16–12–2018 đến ngày 15–9-2019), trên địa bàn tỉnh xảy ra 110 vụ tai nạn giao thông, tăng 0,9% so với cùng kỳ; làm chết 122 người, tăng 7,9%; làm bị thương 48 người, giảm 8,4%. Các địa phương có tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ, là TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Như Thanh, Thường Xuân, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Yên Định, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa. Các huyện có tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ là Hà Trung, Hoằng Hóa, Nông Cống, Như Xuân, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Quan Sơn. Nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông được lực lượng công an xác định là do vi phạm tốc độ, đi sai phần đường; người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; sử dụng lòng, lề đường làm dịch vụ, đậu đỗ xe trái quy định... 

Sự lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của chính quyền một số địa phương chưa chặt chẽ, quyết liệt; các nhiệm vụ và giải pháp về bảo đảm trật tự, ATGT chưa được tổ chức thực hiện đầy đủ. Công tác quản lý lòng, lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT; quản lý phương tiện, bảo đảm an toàn phương tiện; quản lý đội ngũ lái xe, kiểm soát tải trọng và phối hợp giữa các ngành, các cấp còn có những hạn chế. Công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT ở một số địa phương chưa tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân tham gia giao thông vẫn còn kém. Nhiều xe ô tô chở hàng hóa quá tải trọng vẫn né tránh các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, làm hư hỏng, xuống cấp kết cấu hạ tầng giao thông. Trong khi đó, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp với sự gia tăng phương tiện và nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân. Một số vị trí trên tuyến Quốc lộ 1A việc tổ chức giao thông không còn phù hợp, như: Quy định tốc độ, các điểm mở dải phân cách cần được điều chỉnh tổ chức lại; nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ khác còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT chưa được đầu tư cải tạo nâng cấp.

Đồng chí Vũ Hoàng Linh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết: Để bảo đảm trật tự, ATGT những tháng cuối năm, các ngành là thành viên Ban ATGT tỉnh; ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT. Đồng thời, tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm theo nội dung Đề án 3980 của UBND tỉnh, giai đoạn 2017-2020. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành về bảo đảm trật tự, ATGT; trong đó, trọng tâm là công tác bảo đảm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang ATGT. Tiếp tục kiểm tra chấn chỉnh hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, quản lý lái xe; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện giao thông. Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe; kiểm tra chất kích thích thần kinh bị cấm đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Ưu tiên đầu tư các hạng mục phòng ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, như: Xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; rà soát, điều chỉnh bổ sung hệ thống biển báo đường bộ. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông; giám sát hoạt động phương tiện, người điều khiển phương tiện nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, ATGT. Các lực lượng chức năng của Công an tỉnh, công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng loạt các giải pháp, kế hoạch chuyên đề, kế hoạch cao điểm về bảo đảm trật tự, ATGT; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT tại các vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường sắt. Thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT đường thủy nội địa.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)