Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Phú Thọ, 9 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 67 vụ va chạm, tai nạn giao thông, làm chết 40 người và bị thương 50 người. Mặc dù số vụ TNGT và số người chết giảm so với cùng kỳ năm trước, song tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng TNGT, nhất là trong những tháng cuối năm, khi mà lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông dự báo sẽ tăng cao, đòi hỏi các ngành, địa phương cần có những giải pháp quyết liệt để kiềm chế TNGT.
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn
của người điều khiển phương tiện giao thông
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT như: Hệ thống giao thông chưa đảm bảo, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng,… tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, không tôn trọng Luật Giao thông đường bộ, sử dụng bia rượu khi điều khiển xe, chạy quá tốc độ cho phép, phóng nhanh vượt ẩu... Trong 9 tháng đầu năm đã có trên 69 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT bị xử lý.
Ông Nguyễn Quang Thanh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác đảm bảo TTATGT. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành (thành viên Ban ATGT tỉnh), Ban ATGT các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể về đảm bảo TTATGT, trọng tâm là các dịp nghỉ lễ, các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp với công tác đảm bảo TTATGT.
Nhận định nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân từ nay đến cuối năm tăng cao, các đơn vị chức năng đã chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo TTATGT.
Ông Kiều Đức Tĩnh - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Từ nay đến cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai, huy động tối đa lực lượng, phương tiện của lực lượng Cảnh sát giao thông, phối hợp với các lực lượng khác tham gia tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, xử lý theo chuyên đề, tuyến, địa bàn trọng điểm về TNGT, tập trung vào các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, quá hạn kiểm định... Phấn đấu giảm đến mức thấp nhất số vụ, số người chết do TNGT gây ra.
Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT gắn công tác tuyên truyền với việc xây dựng văn hóa giao thông, nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác đảm bảo TTATGT.
Lực lượng Cảnh sát giao thông thị xã Phú Thọ tuyên truyền pháp luật về ATGT
tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh
Ông Nguyễn Chí Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Để đảm bảo TTATGT, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền cơ sở tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả của 55 mô hình “Cổng trường an toàn giao thông"; 36 mô hình điểm trong phong trào bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của trên 11.000 tổ liên gia tự quản, dòng họ, cụm liên kết về TTATGT. Cùng với đó, MTTQ các cấp phối hợp với Ban ATGT thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hành động của mỗi người dân khi tham gia giao thông. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào việc thực hiện nếp sống văn hoá giao thông, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT, cách ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông; tác hại của rượu, bia đối với sức khoẻ và trật tự xã hội, đặc biệt là nguy cơ gây TNGT do sử dụng rượu bia.
Học sinh Trường THCS Lâm Thao tổ chức ngoại khóa tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT năm 2019
Cùng với đó, các ngành, địa phương và đơn vị chức năng cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp đầu tư về hạ tầng, ưu tiên nguồn kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT để xử lý các điểm “đen”, các vị trí mất ATGT, kịp thời sửa chữa khắc phục các đoạn đường hư hỏng, phát quang những đoạn đường bị che chắn tầm nhìn, bổ sung lắp đặt đầy đủ cấp biển báo hiệu giao thông đường bộ ở những đoạn đường thường xảy ra tai nạn.
Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và các ngành chức năng, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy luôn có ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo TTATGT, đi đúng phần đường, làn đường được quy định và không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia.