Để đảm bảo trật tự ATGT và hạn chế xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn, An Giang đã xuất nhiều mô hình hiệu quả. Có sự đổi mới về nội dung lẫn hình thức hoạt động, tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức, sự tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, thực hiện chuẩn mực “văn hóa giao thông" của các tầng lớp nhân dân.
Tuyên truyền pháp luật ATGT qua hệ thống biển báo hiệu đường bộ cho học sinh
Tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em ở lứa tuổi học sinh được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, là mối lo chung của toàn xã hội. Vì thế, tuyên truyền văn hóa giao thông học đường là một trong những nội dung quan trọng kéo giảm tai nạn giao thông của Ban ATGT tỉnh An Giang. Cụ thể, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền pháp luật về hệ thống biển báo hiệu đường bộ cho học sinh trên địa bàn tỉnh.
Theo Đại tá Nguyễn Bá Quận, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an An Giang cho biết: “2 năm qua, Phòng đã phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh cùng với các nhà tài trợ đã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông cũng như biển báo giao thông đường bộ đến các em học sinh trên địa bàn tỉnh và đã tạo hiệu ứng rất tích cực. Chính vì thế, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT nhiều hơn nữa, nhất là hệ thống biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường và tín hiệu đèn giao thông… Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tiếp tục triển khai chương trình chất lượng, hiệu quả hơn”.
Mô hình này được các nhà tài trợ đồng tình đồng hành tham gia tặng mũ bảo hiểm cho 100% học sinh lớp 1 và hỗ trợ kinh phí lắp đặt Pano hệ thống biển báo đường bộ tại các điểm trường. Tác dụng của việc lắp đặt các pano mang lại hiệu quả thiết thực. Đại tá Nguyễn Bá Quận, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ Công an tỉnh An Giang nói: “Từng biển báo hiệu trên pano có ghi rõ nội dung để các em học tập, sau này khi các em học lên cao hơn nữa đi các thành phố lớn khi gặp bất kỳ loại biển báo nào các em cũng nắm được và chấp hành tốt hơn”.
Trao mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1
Có các pano về hệ thống biển báo hiệu đường bộ, giờ sinh hoạt ngoại khóa của các trường sinh động hơn với hình ảnh trực quan, sinh động khi được giáo viên hướng dẫn tìm hiểu Luật giao thông, giúp các em nâng cao ý thức trong chấp hành Luật giao thông. Giờ ngoại khóa, nghỉ giữa giờ, nhiều học sinh đã tranh thủ thời gian đến tìm hiểu các nội dung ở pano này để tham gia giao thông đúng luật. "Nhìn biển báo giúp em hiểu rõ hơn, khi nào được phép rẽ phải, đoạn đường nào chạy với tốc độ bao nhiêu để giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra...".
Đến nay, toàn tỉnh có trên 160 điểm trường được hỗ trợ lắp đặt pano biển báo hiệu. Các biển báo giao thông ở trường học phát huy hiệu quả tích cực, các em có thể vừa chơi vừa học, tiếp thu nhanh hơn; nắm rõ hơn về công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng như hậu quả của các hành vi vi phạm trật tự ATGT. Cảnh sát Giao thông các địa phương phối hợp nhà trường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tổ chức các trò chơi vận động liên quan đến luật giao thông... Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật ATGT của học sinh, từng bước xây dựng “Văn hóa giao thông trong học đường”, góp phần giảm vi phạm trật tự ATGT và tai nạn giao thông. Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt An Giang Diệp Quốc Văn chia sẻ: “Công ty Bảo hiểm Bảo Việt An Giang luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị mà đơn vị cần phải thực hiện, nên chung tay cung chính quyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATGT của các em học sinh”.
Lập lại trật tự an toàn giao thông vận tải hành khách; xử lý "xe dù, bến cóc"
Tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động biến tướng với nhiều hình thức khác nhau, gây thất thu ngân sách Nhà nước và mất ATGT trên địa bàn. Ngành chức năng đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm: đón - trả khách sai quy định; chạy xe không đúng tuyến, lịch trình; xe chở khách không có phù hiệu... gây mất ATGT, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "xe dù, bến cóc". Sở GTVT yêu cầu các bến xe khách đổi mới phương pháp quản lý, giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút người dân đến bến đi xe. Các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm túc quy định về truyền dẫn dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo truyền dữ liệu đầy đủ, kịp thời. Theo dõi, giám sát qua hệ thống dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để phát hiện, xử lý vi phạm.
Đơn cử như gần đây, tại Khu dân cư tiến Đạt, đường Nguyễn Văn Linh, phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) mọc lên điểm kinh doanh xe khách. Doanh nghiệp và người dân băn khoăn, tại đây có hình thành điểm dừng đổ xe khách và việc quản lý của ngành chức năng đối với những xe không chạy vào bến xe và chạy không theo lộ trình, biểu đồ. Để lập lại trật tự giao thông, Sở GTVT yêu cầu đơn vị này hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp; chỉ được vận chuyển khách và vận chuyển hàng hóa về bến xe khách bằng xe trung chuyển; thay đổi bảng hiệu theo đúng giấy chứng nhận đặng ký kinh doanh và sẽ xử lý nếu công ty hoạt động sai quy định.
Tăng cường kiểm tra, lập lại trật tự an toàn giao thông vận tải hành khách; xử lý "xe dù, bến cóc".
Trong thời gian lễ, Tết và khai giảng năm học mới, nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông xảy ra, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tỉnh yêu tăng cường đảo đảm trật tự ATGT cho người dân. Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp đơn vị liên quan tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tại các bến phà, các điểm du lịch, các tụ điểm phức tạp về trật tự ATGT; triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày khai giảng. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về vượt đèn tín hiệu điều khiển giao thông, không chấp hành biển báo hiệu đường bộ (các biển: cấm dừng xe, cấm đỗ xe, cấm rẽ trái…). Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường và phần đường, chở quá tải trọng quy định, chở quá số người quy định hoặc không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện… Đặc biệt là xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Tăng cường kiểm tra ATGT đường thủy nội địa trên các tuyến, luồng phức tạp, bến khách ngang sông, bến tàu chở khách du lịch; kiểm tra các phương tiện thủy hoạt động chở khách (phải trang bị đủ và thực hiện nghiêm việc mặc áo phao hoặc đeo dụng cụ cứu sinh khi đi đò).
Chợ Mới là huyện đông dân nhất tỉnh với 347.000 người. Mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng cao, trong khi hệ thống giao thông không đáp ứng được tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường còn phổ biến ảnh hưởng đến công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thượng tá Nguyễn Nhật Trường, Trưởng Công an huyện Chợ Mới cho biết: "10 tháng đầu năm 2019, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện được kéo giảm cả 3 mặt số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ 2018. Toàn huyện xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 5 người, bị thương 1 người với các nguyên nhân chủ yếu là tránh - vượt sai quy định, vi phạm về tốc độ".
Mô hình hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn TP. Long Xuyên phát huy hiệu quả sau 5 tháng đi vào hoạt động. Hệ thống camera giám sát giao thông 24/24 là công cụ đắc lực giúp lực lượng Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quy định về trật tự, ATGT trên địa bàn thành phố. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Qua đó, giúp kéo giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tăng cường kiểm tra lái xe sử dụng các chất kích thích; lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, các chất ma túy trên tất cả các tuyến đường liên huyện, đặc biệt là đối với các loại xe ôtô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe tải, xe container, taxi. Sau hơn 1 tháng ra quân kiểm tra, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ đã kiểm tra hơn 1.200 phương tiện như: ôtô khách, ôtô tải, container cùng nhiều phương tiện ôtô khác. Đặc biệt, qua test nhanh trên 150 lái xe... không có trường hợp nào dương tính với ma túy hay vi phạm quy định về nồng độ cồn. Hầu hết lái xe đều chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT, không sử dụng các chất kích thích khi lái xe. Đây là điều đáng mừng trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức sự nguy hiểm và tác hại nếu sử dụng các chất kích thích khi lái xe.