Trong 10 tháng năm 2019, toàn tỉnh Bình Phước xảy ra 204 vụ tai nạn giao thông, làm chết 136 người, 142 người bị thương, hư hỏng 70 ôtô, 230 môtô và 8 phương tiện khác. Đằng sau những con số đó là nỗi đau không thể đong đếm của biết bao gia đình. Chỉ một phút bất cẩn, người tham gia giao thông có thể trả giá bằng mạng sống, tương lai của mình và cả người khác.
Chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm, mỗi lần nhắc lại, bà Lê Thị Sinh ở ấp 2, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú vẫn không cầm được nước mắt. Năm 2018, chị Bùi Ngọc Thúy (1992) - con gái bà Sinh, trong một lần cùng chồng chạy xe từ Bình Dương về thăm con, hai vợ chồng gặp tai nạn giao thông và qua đời. Kể từ đó, gia đình bà gần như suy sụp. Sau ngày con gái và con rể mất, ông bà phải thay con nuôi nấng đứa cháu mồ côi chưa đầy 2 tuổi. Bà Sinh ngậm ngùi: “Vợ chồng con gái mất, cháu ngoại côi cút, thiếu vắng cha mẹ. Ông nhà tôi đã 65 tuổi lại phải đi bốc vác thuê, gồng mình bươn chải vì cơm, áo, gạo, tiền lo cho 2 bà cháu. Vợ chồng tôi già rồi nên lo cho cháu, sau này chỉ sợ chẳng có ai để cháu nương tựa”. Mỗi ngày trôi qua, bà Sinh không biết bao nhiêu lần nhói đau khi nhìn thấy ánh mắt vô tư, hồn nhiên của đứa cháu thơ chưa thể nhận thức được rằng đã vĩnh viễn không còn cha mẹ.
Ban An toàn giao thông huyện Đồng Phú
thăm nạn nhân bị tai nạn giao thông trên địa bàn huyện
Không chỉ khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh bế tắc, tai nạn giao thông còn gây hậu quả nặng nề về cả sức khỏe lẫn tinh thần người gặp tai nạn và gia đình họ. Đã 1 năm trôi qua, kể từ ngày em Hoàng Thanh (1997), ấp Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú bị tai nạn giao thông. Mới ngoài 20 tuổi nhưng em phải dừng lại tất cả ước mơ. Trong một lần ra ngoài, được bạn chở, không may bị tai nạn, Thanh chấn thương nặng vùng đầu và bị liệt cả người, giờ mọi sinh hoạt của em đều phải nhờ mẹ lo, săn sóc, từ việc vệ sinh cá nhân. Trong những ngày có người đến thăm, tránh sao được phút giây Thanh chạnh lòng. Khi bạn bè trang lứa đang theo đuổi những ước mơ tươi đẹp thì em phải nằm bất động trên giường. Thỉnh thoảng, trong cuộc trò chuyện, Thanh nhắc đến những năm tháng trước đây khi chưa gặp tai nạn. Đó là những ngày tươi đẹp của cậu bé tính tình hoạt bát, vui tươi. Mẹ Thanh kể: “Ngày nó nhập viện, bác sĩ nói tình trạng nặng lắm, tưởng không qua khỏi... Khi xuất viện về nhà, mới đầu Thanh suy sụp lắm, nhưng gia đình cũng cố gắng động viên cháu lạc quan mà sống”.
Biết rằng tai nạn giao thông là điều không ai muốn xảy ra nhưng khi ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông còn chưa được nâng cao thì hiểm họa tai nạn giao thông vẫn luôn rình rập, trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, mà nạn nhân và gia đình nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Thời gian qua, nhiều chương trình hành động, các đợt cao điểm tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát... của lực lượng chức năng đã được triển khai là những nỗ lực nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và tổn thất về người, tài sản, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Đảm bảo an toàn giao thông chính là đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình và mọi người. Vì vậy, khi tham gia giao thông, để giảm thiểu tai nạn, mỗi người cần tự nâng cao ý thức, nhận thức, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đặc biệt phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe đạp điện; qua đường cần quan sát kỹ; điều khiển phương tiện không lấn làn; tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; không chạy quá tốc độ cho phép; nhất là không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia...