Là địa phương tại vùng núi phía Bắc điển hình trong công tác đảm bảo TTATGT, Sơn La đã và đang từng ngày kéo giảm TNGT mạnh mẽ và toàn diện.
Buổi diễu hành tuyên truyền, phổ biến 12 nguyên tắc vàng khi tham gia giao thông trên một số trục đường chính của TP Sơn La vào ngày 10/12.
Tạo tiền đề cho mục tiêu giảm mạnh TNGT
Cùng với những thành tựu đạt được về kinh tế - xã hội, công tác giữ gìn và bảo đảm TTATGT trong những năm qua luôn được Tỉnh ủy – HĐND – UBND tỉnh Sơn La quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo; các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vào cuộc quyết liệt. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đã được tiến hành đồng bộ, nội dung và hình thức được đổi mới;…
Theo Ban ATGT tỉnh Sơn La, công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT đã được tăng cường, có chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực gồm: Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, công tác quản lý vận tải, công tác đăng kiểm, đăng ký; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã được nâng lên một bước.
Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, trong những năm qua, được sự quan tâm từ Trung ương và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, năng lực và chất lượng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó điển hình là Sơn La đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, giúp cải thiện tình hình TTATGT trong vùng.
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2019, khu vực miền núi phía Bắc xảy ra 1.289 vụ tai nạn giao thông (chiếm 9% số vụ TNGT trên cả nước), làm chết 691 người (chiếm 10,94%), bị thương 1164 người (chiếm 10,71%). So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 173 vụ (- 11,8%), số người chết giảm 74 người (- 9,7%), số người bị thương giảm 114 người (- 8,9%), trong đó 3 tỉnh có số người chết kéo giảm trên 20%, kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí là: Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang.
“Nỗ lực này đã góp phần quan trọng để cả nước lần đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay, số người chết do TNGT 11 tháng đầu năm giảm 6,94%, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện được mục tiêu kéo giảm TNGT cả 3 của năm nay là trên 5% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương”, Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng đánh giá.
Ông Lê Hồng Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định: "TNGT đã được kiềm chế, đặc biệt là số người chết liên tục giảm qua các năm từ 8 đến 20%, kết quả này đã được Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao. Với hơn 7.000 người chết mỗi năm do TNGT trên cả nước trong giai đoạn hiện nay, cần phải nhận thức sâu sắc rằng đây là một thảm họa, là gánh nặng cho nhiều gia đình và toàn xã hội, gây ra nhiều đau thương và bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đế ntiến trình vươn lên của dân tộc, đến sự phát triển của giống nòi. Chúng ta cần phải dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi vụ TNGT, có cả lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước".
Ông Lê Hồng Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định,
cả hệ thống chính trị tỉnh Sơn La luôn nỗ lực tối đa để đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh
và đã đạt được sự chuyển biến rất tốt, được đánh giá cao.
Tăng cường hiệu lực bảo đảm TTATGT
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác bảo đảm TTATGT của tỉnh Sơn La cũng còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa thật sự nghiêm túc, dẫn đến vi phạm pháp luật về TTATGT mặc dù giảm nhưng vẫn còn diễn ra khá phổ biến như: Uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi lái xe; xe chở quá tải trọng cho phép;…
Những hành động cụ thể được kêu gọi để lan toả những giá trị văn hoá giao thông an toàn trong gia đình, cộng đồng, xã hội; đồng lòng, quyết tâm thực hiện và vận động những người xung quanh như: Đã uống rượu bia - không lái xe, luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô - xe máy, không chen lấn, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông,… quyết tâm kéo giảm TNGT, đẩy lùi nỗi đau TNGT, giữ gìn cuộc sống an lành, hạnh phúc cho chính gia đình mình, cho bạn bè, cộng đồng và toàn xã hội.
Trước những thách thức về TTATGT trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lê Hồng Minh kêu gọi các cấp, các ngành và toàn thể đồng bào, cán bộ công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên hãy cùng chung tay hành động để ngăn chặn TNGT trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng.
Trong đó, UBND tỉnh Sơn La đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ chính được tăng cường trong thời gian tới trong công tác đảm bảo TTATGT. Một là, tiếp tục củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động có hiệu quả của Ban ATGT các cấp; huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xã, phường vào cuộc trong công tác đảm bảo TTATGT nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi TNGT trên toàn địa bàn tỉnh. Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/2019/NQ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021; Chỉ thị số 25-CT/TƯ ngày 18/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức” đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Hai là, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT; nội dung triển khai phải thiết thực, phong phú và thường xuyên được đổi mới, phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông. Tập trung công tác tuyên truyền trực tiếp đến người tham gia giao thông, các tổ, bản, tiểu khu, các trường học, cơ sở giáo dục; tuyên truyền, giáo dục thông qua xử lý vi phạm. Chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp tục phát động phong trào tiên phong, gương mẫu của người thực thi công vụ; cán bộ hưởng lương ngân sách nhà nước và vận động người thân thực hiện tốt quy định về TTATGT; xây dựng cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy định về TTATGT.
Ba là, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trên các lĩnh vực: Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện tham gia giao thông; tổ chức vận tải hành khách.
Trong đó quan tâm triển khai một số nhiệm vụ cấp bách như: Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng vận tải hành khách; thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa, không để TNGT đường thủy nghiêm trọng xảy ra; thực hiện đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi giấy phép lái xe tại các huyện; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ phục vụ tốt nhu cầu về vận tải và đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, hành lang ATGT và giải tỏa hành lang đường bộ theo Kế hoạch của UBND tỉnh và của Chính phủ.
Bốn là tăng cường lực lượng để thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm chính các vi phạm về TTATGT như: Xe chở quá tải trọng, quá số người quy định; người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn, trong người có chất ma túy; xe vi phạm về đăng ký, đăng kiểm hoặc hết hạn sử dụng mà vẫn lưu thông trên đường… Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, camera giám sát, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm nguội, vi phạm giao thông đường thủy, đặc biệt là trên vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La. Kết hợp có hiệu quả xử lý vi phạm với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo đảm TTATGT của người tham gia giao thông.
Thành Vũ