Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực. Luật và nghị định quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia đến 40 triệu đồng và tước bằng lái 2 năm. Quy định này thực sự mang tính răn đe mạnh mẽ, bảo đảm đẩy lùi tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.
Qua 5 ngày luật và nghị định có hiệu lực thi hành, ghi nhận của các cơ quan chức năng, phần lớn người tham gia giao thông chấp hành rất nghiêm túc quy định của pháp luật, số người vi phạm giảm hẳn so với trước. Ông Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở GTVT Tuyên Quang nhấn mạnh, luật và nghị định mới có hiệu lực thi hành quy định về cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông với mức xử phạt cao thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước, các địa phương trong việc kéo giảm tai nạn giao thông, giảm những tổn thất do tai nạn giao thông gây ra, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho cộng đồng xã hội.
Sở GTVT là cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc; phối hợp với các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công nhân viên chức và người dân về mức xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia. Lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm vi phạm, người dân đã có ý thức chấp hành nghiêm túc, các nhà hàng ăn uống cũng đã vận động khách hàng sử dụng phương tiện công cộng khi đã uống rượu, bia…
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thành phố Tuyên Quang kiểm tra nồng độ cồn
đối với người điều khiển phương tiện tại đường Trường Chinh, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)
Lực lượng cảnh sát giao thông trong toàn tỉnh đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo Phòng Cảnh giao thông, Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố, hầu hết người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành quy định và rất “sợ” mức phạt này nên số người vi phạm giảm hẳn. Trung bình mỗi ngày, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh xử lý 5, 6 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Nguyễn Tiến Nam, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông - trật tự, Công an Thành phố Tuyên Quang cho biết, trong những ngày đầu thực hiện luật và nghị định, lực lượng cảnh sát Công an thành phố xử lý hơn 10 trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia. Cùng với việc kiểm tra nồng độ cồn tại 1 điểm cố định, lực lượng cảnh sát giao thông Công an thành phố còn tuần tra lưu động có trang bị máy thổi nồng độ cồn nên hiệu quả hơn. Công an thành phố cũng tăng cường kiểm tra chuyên đề, trước đây, kiểm tra chuyên đề về nồng độ cồn 2 buổi/tuần thì nay tăng lên 4 buổi/tuần.
Đối với những người vi phạm, sẽ xử lý nghiêm, không nể nang. Ông Phạm Đức Thành, tổ 8, phường Hưng Thành điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn. Qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của ông Thành là 0,028 mg/lít khí thở. Ông Thành bị phạt tiền 2,5 triệu đồng, tạm giữ phương tiện theo quy định. Ông Thành cho biết, đây là bài học để ông không tái phạm. Ông được lực lượng cảnh sát tuyên truyền quy định mới của pháp luật về phòng chống tác hại của rượu bia, với mức xử phạt cao nên từ nay đã uống rượu ông không lái xe nữa.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh phối hợp với Công an các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như Quốc lộ 37, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C. Theo Phòng Cảnh sát giao thông, hầu hết người điều khiển phương tiện đều nắm bắt được quy định xử phạt mới nên đã chấp hành nghiêm túc, đây thực sự là dấu hiệu tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong năm mới này. Anh Nguyễn Văn Sáng, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho rằng, mức xử phạt cao như vậy mới đủ sức răn đe cho mọi người. Anh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, vì cuộc sống bình yên của gia đình và cộng đồng.
Các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh đã chủ động hỗ trợ khách hàng không lái xe khi đã sử dụng bia rượu. Một số nhà hàng tổ chức đưa đón khách đến điểm ăn uống, tiêu biểu là nhà hàng Hộ Nhâm tại phường mới Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang). Đây là hoạt động rất có ý nghĩa giúp khách hàng trọn vẹn trong cuộc vui mà vẫn bảo đảm an toàn giao thông. Anh Nguyễn Văn Thành, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cho biết, anh thường phải tiếp khách là đối tác, bạn hàng làm ăn nên việc sử dụng bia rượu là khó tránh khỏi, do đó các nhà hàng có dịch vụ đưa đón khách rất có ý nghĩa, bảo đảm an toàn cao cho người tham gia giao thông. Còn chị Dương Thị Dính, chủ nhà hàng Ba Chữ Lồng, phường Minh Xuân chia sẻ, nhà hàng cũng đã có phương án cụ thể, tư vấn cho khách nếu sử dụng rượu, bia có thể đi taxi, gửi lại xe tại nhà hàng hoặc gọi người thân đến đón, dứt khoát không để khách hàng đã uống rượu, bia tự lái xe, để bảo đảm an toàn cho khách.
Sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, ý thức của người dân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được nâng lên sẽ góp phần đẩy lùi tai nạn giao thông trong thời gian tới, mang lại hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình.