Theo thống kê trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội (Yên Viên) - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều dài 75km hiện đang tồn tại 134 lối đi dân sinh tự mở. Các lối đi do người dân tự mở đã vi phạm hành lang an toàn đường sắt và luôn tiềm ẩn mất an toàn giao thông (ATGT).
Thực hiện Nghị định số 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về xử lý các đường ngang dân sinh tự mở, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh Phú Thọ đã thực hiện các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không phát sinh đường ngang dân sinh tự mở qua đường sắt và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các đường ngang dân sinh hiện tại vào năm 2025 theo Kế hoạch 4347/UBND-KTN ngày 23/9/2019 của UBND tỉnh.
Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra ATGT đối với các đường ngang dân sinh
trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Trên địa bàn huyện Hạ Hòa có hơn 24km đường sắt chạy qua 12 xã, thị trấn thì có tới 76 đường ngang dân sinh tự mở. Các đường ngang dân sinh mở từ nhiều năm này đều không đủ điều kiện an toàn. Ngay như trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, mặc dù tuyến đường sắt qua thị trấn chỉ có gần 3km nhưng có tới 11 lối đi dân sinh tự phát.
Thiếu tá Dương Trung Phúc - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Hạ Hòa) cho biết: Tình trạng đường ngang dân sinh tự phát từ nhiều năm nay là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mối nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua. Nhằm khắc phục nguy cơ mất ATGT đường sắt, tiến tới xóa bỏ các lối đi dân sinh tự phát trên địa bàn, Ban ATGT huyện thường xuyên tổ chức các đợt ra quân giải tỏa các vi phạm hành lang ATGT đường sắt trên địa bàn; yêu cầu các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt chủ động tháo dỡ, di dời toàn bộ những vật cản che khuất tầm nhìn; dỡ bỏ lều, quán, mái che, mái vẩy, tường rào, biển quảng cáo và xóa bỏ các điểm họp chợ tự phát trên hành lang giao thông đường sắt.
Lực lượng Công an huyện cũng đã tiến hành rà soát, giải tỏa, xử phạt hành chính đối với những trường hợp cố tình vi phạm hành lang đường sắt và không chấp hành việc tự tháo dỡ, di dời. Đồng thời tiến hành xóa bỏ các lối đi dân sinh tự mở.
Công an huyện Hạ Hòa tuyên truyền cho người dân các qui định về đảm bảo ATGT đường sắt
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Anh - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hạ Hòa cho biết: Trong năm 2019 huyện đã xóa bỏ 4 lối đi dân sinh tự mở. Đến nay, còn trên 70 lối đi tự mở. Trong năm 2020, toàn huyện phấn đấu thực hiện xóa bỏ thêm 12 lối đi dân sinh và phấn đấu thực hiện xóa bỏ toàn bộ các lối đi dân sinh tự mở vào năm 2025. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra theo kế hoạch của UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo huyện ban hành các văn bản chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm soát chặt chẽ các lối đi dân sinh đã được rào chắn, đảm bảo không cho người dân phá dỡ các lối đi này. Đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân các qui định pháp luật về trật tự ATGT đường sắt; tiếp tục kiểm tra, khảo sát các lối đi dân sinh khác nhằm có biện pháp khắc phục, xử lý, đảm bảo đi lại thuận tiện, an toàn cho người dân.
Để hạn chế những bất cập trong công tác quản lý trật tự ATGT đường sắt, những năm qua, Ban ATGT tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ban ATGT các huyện, thị, thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về đảm bảo ATGT đường sắt tới các tầng lớp nhân dân; tăng cường kiểm tra, rà soát, cắm mốc giới hành lang ATGT đường sắt, thu hẹp, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở.
Tuy nhiên, công tác xóa bỏ lối đi dân sinh trái phép lại đang gặp nhiều khó khăn do ý thức của những người dân sống quanh các tuyến đường sắt. Với suy nghĩ thuận tiện cho việc đi lại nên người dân cố tình không chấp hành các qui định pháp luật về ATGT đường sắt, thậm chí sẵn sàng phá bỏ những hệ thống rào chắn, cột giới hạn an toàn mà ngành đường sắt đã xây dựng. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chú ý vấn đề ATGT đường sắt, chỉ tham gia giải quyết khi có yêu cầu của cấp huyện. Sự phối hợp giữa các lực lượng liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường sắt chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ.
Trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tiếp tục có biện pháp xử lý dứt điểm trình trạng các đường ngang hoạt động trái phép và thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT đường sắt nhằm nâng cao nhận thức có người tham gia giao thông; cắm biển cảnh báo, làm hàng rào bảo vệ, phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương bàn phương án làm tuyến đường gom dọc theo đường sắt để người dân đi qua đường sắt tại các điểm mở chính thức và quản lý chặt chẽ các lối đi tự mở đã được rào chắn... Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện tiếp tục phối hợp với các lực lượng, Ban ATGT huyện, các xã, thị trấn có tuyến đường sắt chạy qua tiếp tục tổ chức kiểm tra dọc tuyến nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các sai phạm.
Đường ngang trái phép qua đường tàu do người dân tự ý mở
đoạn qua xã Mạn Lạn, huyện Thanh Ba tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT
Trước thực trạng đường dân sinh giao cắt đường sắt phát sinh ngày càng phức tạp, ông Tô Quang Hạnh - Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ khẳng định: Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương thực hiện quyết liệt việc xóa bỏ 38 lối đi dân sinh tự mở theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời tích cực tuyên truyền, phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát để xóa bỏ 96 lối đi còn lại vào năm 2025.
“Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi mong muốn có sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và sự đồng tình ủng hộ của người dân sống xung quanh các tuyến đường sắt” - ông Hạnh cho biết thêm.