Bạc Liêu ra quân thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ: Vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Thứ tư, 15/01/2020 09:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Thủ tướng ký ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực ngày 1/1/2020. Sau hơn 10 ngày ra quân thực hiện Nghị định mới của lực lượng chức năng cho thấy, vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh, tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế…

Xử lý mạnh tay, “ma men” vắng bóng

Ngay từ khi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, Công an tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tổ chức tốt công tác tuyên truyền, nhắc nhở, giải thích những quy định mới của luật cho những người vi phạm hiểu, chấp hành và ủng hộ lực lượng Công an trong quá trình xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn.

“Hơn 10 ngày qua, trên các tuyến đường từ quốc lộ đến nông thôn, lực lượng CSGT tỉnh, CSGT các huyện, thị xã, thành phố có mặt đều khắp. Lực lượng đã ra quân tuần tra, kiểm soát 310 cuộc, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 678 trường hợp vi phạm về trật tự (TT) an toàn giao thông (ATGT). Trong đó, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn là 29 trường hợp với số tiền 160 triệu đồng, tước 28 giấy phép lái xe, tạm giữ 29 phương tiện vi phạm, đặc biệt có 13 trường hợp người điều khiển xe mô tô vi phạm nồng độ cồn và bị áp dụng mức xử phạt cao nhất là 7 triệu đồng/trường hợp. Theo đó, số trường hợp vi phạm về nồng độ cồn giảm mạnh”,  Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu đánh giá. 

Theo chân lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn qua địa bàn ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi), chúng tôi nhận thấy, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm rất mạnh. Qua kiểm tra ngẫu nhiên hàng chục trường hợp, không phát hiện vi phạm về nồng độ cồn.

Tối 10/1, tại chốt kiểm tra của Đội CSGT - Trật tự, Công an TP. Bạc Liêu trên tuyến đường Trần Phú (phường 7), qua kiểm tra hơn 30 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, chỉ phát hiện 3 trường hợp xe máy vi phạm nồng độ cồn, tất cả các trường hợp này đều vi phạm ở khung cao nhất. Trong đó, có 2 trường hợp ký biên bản, một trường hợp bỏ xe. Nhưng cả 3 người này đều đồng tình với quy định cần tăng nặng mức phạt với hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có uống rượu bia và thừa nhận mình đã sai.

Ghi nhận thực tế cho thấy, Nghị định số 100 ra đời đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, làm chuyển biến ý thức và thay đổi thói quen uống rượu bia của phần lớn người tham gia giao thông. Số lượng khách đến các nhà hàng, quán nhậu giảm mạnh, đặc biệt, một số quán trước đây là tâm điểm của TP. Bạc Liêu thường xuyên đông khách thì nay cũng trong tình trạng vắng khách. Điều này được xem là tín hiệu vui của nhiều gia đình, khi không còn cảnh những người mẹ, người vợ “thấp thỏm” chờ chồng, con liêu xiêu lái xe về nhà sau những tiệc rượu quá đà. Người tham gia giao thông cũng khấp khởi mừng thầm vì tình trạng “ma men” phóng nhanh, vượt ẩu trên đường nay đã vắng nhiều.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe gắn máy
(Ảnh minh họa)

Tai nạn giao thông giảm

Nghị định số 100 của Chính phủ được quan tâm đặc biệt bởi các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, mức xử phạt cao nhất với người lái ô tô là từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.

Đối với người điều khiển xe gắn máy, mức phạt là từ 6 - 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng. Mức phạt với người đi xe đạp và xe thô sơ là từ 400.000 - 600.000 đồng. Nghị định này cũng bổ sung, tăng nặng các mức phạt vi phạm khác. Nghị định số 100 không chỉ phục vụ thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia mà còn để bổ sung, quy định nhiều hành vi liên quan đến Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt khi thực tế phát sinh những yếu tố đòi hỏi phải có quy định pháp luật phù hợp hơn.

Mới đây nhất, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, nếu thời gian trước, mỗi ngày cả nước có từ 21 - 23 người tử vong do TNGT thì sau hơn 10 ngày thực hiện Nghị định số 100 với sự đồng thuận cao của nhân dân và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, lực lượng chức năng, số người chết giảm xuống còn 16 - 17 người/ngày.

Tại Bạc Liêu, năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ TNGT, làm chết 20 người, bị thương 27 người, trong đó nguyên nhân do sử dụng rượu bia chiếm khoảng 6%. Cùng thời gian, có trên 500 trường hợp vi phạm nồng độ cồn được phát hiện, xử lý.

Theo Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, qua hơn 10 ngày ra quân áp dụng những quy định mới của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ triển khai thực hiện, tình hình trật tự ATGT đường bộ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm giao thông giảm khoảng 25%, TNGT xảy ra 1 vụ, làm 1 người bị thương, không có người chết. So với thời gian liền kề giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

hoavt

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)