Năm 2019, tỉnh Bạc Liêu xếp ở tốp 10 cả nước về giảm tai nạn giao thông (TNGT) khi giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, bị thương. Trong đó, số người chết giảm hơn 19%, điều này khẳng định Bạc Liêu rất quyết tâm trong công tác bảo đảm trật tự (TT) an toàn giao thông (ATGT), nhất là trước tình hình TTATGT diễn biến phức tạp như hiện nay.
Người điều khiển xe máy ký vào phiếu báo kết quả vi phạm nồng độ cồn
Xử lý “không có vùng cấm” đối với vi phạm nồng độ cồn
Là năm đầu tiên cả nước thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, vì vậy, Chính phủ chỉ đạo triển khai Năm ATGT 2020 với chủ đề "Đã uống rượu bia - không lái xe". Bạc Liêu quyết tâm thực hiện nghiêm chủ đề này với mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ, số người chết, bị thương do TNGT so với năm 2019. Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung, Nghị định 100 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tạo ra đột phá lớn trong công tác bảo đảm TTATGT. Đã uống rượu bia - không lái xe là việc làm thay đổi thói quen của cả xã hội, liên quan đến nhiều người nên cần sự kiên quyết, liên tục, bền bỉ. Hạn chế TNGT là hạn chế được rất lớn những hệ lụy xã hội do tai nạn gây ra.
Sau một tháng thực hiện Nghị định 100 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, đồng thời ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm, kết quả cho thấy số trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển mô tô, xe máy giảm rõ rệt, TNGT từ đó cũng giảm.
Để phát huy những kết quả này, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban ATGT tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung yêu cầu xử lý cương quyết “không có vùng cấm” đối với việc vi phạm nồng độ cồn, kể cả cán bộ, công chức, đặc biệt cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu để làm gương cho người dân thực hiện theo. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, gửi kết quả xử lý về cơ quan chủ quản để có hình thức cắt thi đua, khen thưởng, cần thiết nữa thì cách chức.
Huy động tối đa lực lượng, thiết bị nghiệp vụ
Để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ đi vào cuộc sống, được quần chúng nhân nhân ủng hộ và chấp hành nghiêm, Công an tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp. Trước nhất, lực lượng công an phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, về tác hại của rượu bia bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, nhằm giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông nói chung và về nồng độ cồn nói riêng. Từ đây, hình thành thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe” đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động và tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải trên địa bàn không giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển, vận động lái xe cam kết và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
“Lực lượng Công an toàn tỉnh đã mở các cao điểm chuyên đề về tuần tra kiểm soát và xử lý về TTATGT. Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tập trung vào các địa bàn, tuyến giao thông liên xã, liên huyện, tỉnh lộ, quốc lộ và các khu vực có nhiều quán ăn, nhà hàng... vào khoảng thời gian từ 17 - 22 giờ, với các đối tượng là người điều khiển phương tiện giao thông và thanh thiếu niên từ 15 - 25 tuổi”, Đại tá Ngô Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Đồng thời, để việc thực hiện được đồng nhất, hiệu quả, lực lượng công an còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên chấp hành nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ; đưa nội dung này vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.