Sau hơn 1 tháng lực lượng chức năng TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện theo quy định mới, kết quả cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực.
Kết quả tích cực
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Nha Trang, sau 1 tháng (từ ngày 1 đến 31/1) triển khai Nghị định 100 và áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, lực lượng chức năng đã tổ chức 12 lượt, tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên 1.036 phương tiện, trong đó có 675 xe ô tô, còn lại là xe máy, mô tô. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 62 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 4 trường hợp bị xử lý ở mức cao nhất (xử phạt 35 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng).
Lực lượng Cảnh sát giao thông TP. Nha Trang kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.
Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP. Nha Trang cho biết, qua hơn 1 tháng triển khai quy định mới về xử lý vi phạm nồng độ cồn cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực. Người tham gia giao thông chấp hành khá tốt các quy định, tỷ lệ người bị xử lý vì sử dụng nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện so với tổng số phương tiện kiểm tra chiếm chưa tới 5%. Hiệu ứng của Nghị định 100 và Luật Phòng, chống tác hại bia rượu đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, người điều khiển xe cơ giới, hình thành nên một ý thức, thói quen, đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện.
“Trong tháng 1, thành phố xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông, làm 6 người tử vong. Qua kiểm tra, toàn bộ số vụ tai nạn giao thông này không có trường hợp nào điều khiển phương tiện có nồng độ cồn. Chỉ có 2 trường hợp xe mô tô va chạm giao thông, người điều khiển có nồng độ cồn đã bị xử lý nghiêm”, Trung tá Lê Bửu Thọ cho biết.
Tiếp tục xử lý
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc vệ sinh y tế, ống thổi… liệu có đảm bảo an toàn cho người bị kiểm tra? Về vấn đề này, cơ quan chức năng cho biết, lực lượng thực thi nhiệm vụ luôn thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Y tế trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh cho cán bộ, chiến sĩ và người dân. Cụ thể, quá trình tổ chức triển khai lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện đeo khẩu trang, găng tay, đảm bảo an toàn; bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo trên nguyên tắc mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng thu gom, xử lý.
Được biết, ngày 7/2, Cục Cảnh sát giao thông đã có thông báo đề nghị các tổ kiểm tra nồng độ cồn trong cả nước trong thời gian dịch Covid-19, tạm thời không sử dụng phễu thổi để đo định tính nồng độ cồn với những người sử dụng phương tiện giao thông. Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, thông báo này không ảnh hưởng đến việc đo nồng độ cồn vào thời điểm hiện tại. Các tổ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ vẫn sử dụng máy đo có ống thổi riêng cho từng trường hợp để đo định lượng, bảo đảm tiệt trùng cho thiết bị đo, ống thổi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ chỗ còn có những ý kiến băn khoăn trong những ngày đầu ra quân xử phạt nặng người vi phạm nồng độ cồn, sau 1 tháng, gần như không còn luồng ý kiến này. Người sử dụng rượu bia đã dần hình thành ý thức chủ động gọi taxi, xe ôm, hay bố trí người không uống rượu bia đưa đón nếu đã uống bia rượu. Đây là một sự thay đổi lớn trong thái độ chấp hành và nhận thức của người tham gia giao thông. Ngoài ra, việc hợp tác với lực lượng thi hành công vụ cũng có chuyển biến. Nếu như một vài ngày đầu xử lý còn tình trạng người điều khiển phương tiện bỏ xe, rời khỏi chốt khi bị kiểm tra thì đến nay không còn trường hợp nào như vậy.
Theo Trung tá Lê Bửu Thọ, thời gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Mục tiêu là kiềm chế việc sử dụng rượu bia rồi lái xe, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây tai nạn giao thông.