Ngay sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có những chuyển biến tích cực, phần lớn người dân chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông; tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả về số vụ, số người bị thương và số bệnh nhân phải nhập viện do TNGT trong dịp Tết.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Quảng Uyên
tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Giám đốc Sở GTVT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Lã Hoài Nam cho biết: Từ đầu năm 2020, khi thông điệp “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” chính thức được luật hóa với mức xử phạt vi phạm hành chính cao thì tình hình TNGT do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh.
Trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 23 - 29/1/2020), toàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT, làm 1 người chết, 1 người bị thương; ước tính thiệt hại tài sản 32 triệu đồng. So với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 giảm 5 vụ, giảm 1 người chết, giảm 7 người bị thương. Trong số 114 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, chỉ có 7 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, còn lại là các lỗi vi phạm không chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, xe khách chở quá số người quy định…
Cùng với việc giảm mạnh về TNGT thì nhận thức và ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự ATGT nói chung và quy định “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” nói riêng của người dân được nâng lên rõ rệt. Điều này cho thấy, đa phần người dân không những biết tránh sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông mà còn thay đổi nhận thức và hành vi bằng việc hạn chế sử dụng rượu, bia trong sinh hoạt hằng ngày.
Anh Nông Văn Huy, tổ 10, phường Hòa Chung (Thành phố) chia sẻ: Dịp Tết hằng năm, do công việc và đi chúc Tết anh em, bạn bè nên tôi không thể từ chối uống chén rượu đầu xuân mới, nhưng năm nay, từ khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, tôi không uống rượu khi đi chúc Tết, nếu có uống vài ly rượu thì tôi không tham gia giao thông.
Còn anh Đàm Văn Bảo, phường Ngọc Xuân (Thành phố) bày tỏ: Qua nghiên cứu, tôi thấy các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP bị phạt rất nặng, nên tôi thường xuyên nhắc nhở các con, người thân trong gia đình chấp hành nghiêm việc “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” vừa đảm bảo tính mạng, tài sản mà không gây ra TNGT.
Theo bác sĩ Bế Ích Hiến, Phó trưởng Khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân phải nhập viện do TNGT dịp Tết năm 2020 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến ngày 30/1/2020, Khoa có 32 người đang điều trị/tổng số 76 giường bệnh. Đây là tín hiệu đáng mừng và là điều rất hiếm gặp vì vào thời điểm này những năm trước, Khoa luôn rơi vào tình trạng quá tải vì số người nhập viện do TNGT tăng cao. Năm nay, đa số các bệnh nhân vào viện do TNGT chỉ bị tổn thương nhẹ phần mềm, trầy xước da, còn các tổn thương nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia, nồng độ cồn giảm trên 50% và bệnh nhân vào viện do tình trạng say xỉn cơ bản không có.
Đến hết ngày 11/2, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ TNGT làm 10 người chết, 14 người bị thương. Các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính 2.338 trường hợp về trật tự ATGT, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Tạm giữ 755 xe ô tô, xe mô tô các loại; tước giấy phép lái xe của 155 trường hợp.
Thượng tá Vũ Ngọc Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Những quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ là phù hợp với thực tiễn, nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân nên mặc dù triển khai trong thời gian cao điểm diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý, nhưng việc kiểm tra nồng độ cồn vẫn được lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh thực hiện đúng tinh thần “không có du di trong dịp Tết”.
Theo đó, không chỉ ở khu vực Thành phố mà cả ở vùng nông thôn, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai nhiều chốt kiểm tra, kết hợp xử phạt với tuyên truyền quy định mới đến người dân. Nhờ đó, tình hình trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, TNGT giảm về số vụ, số người bị thương, ít thiệt hại về tài sản.
Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, thời gian tới, Công an tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về trật tự ATGT; sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ TNGT có đủ yếu tố cấu thành tội phạm bằng pháp luật hình sự. Phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng quy chế phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giao thông - Vận tải trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; quản lý phương tiện, kiểm định phương tiện, giám sát hành trình xe ô tô.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu rõ hơn về Nghị định số 100/2019/NĐ-CP. Tuyên truyền, phổ biển giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT gắn với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.