Nhiều ý kiến cho rằng, dịp tết cổ truyền vừa qua là "lịch sử” và rất văn minh, khi việc sử dụng rượu, bia đã giảm xuống mức tối đa. Hình thức xử phạt rất nặng, rất nghiêm, có nhiều người bị xử phạt như vậy nhưng dư luận xã hội vẫn tuyệt đối ủng hộ.
Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn
đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông
Sau hơn 1 tháng triển khai, có thể nói, chưa có một đạo luật hay nghị định nào lại sớm đi vào cuộc sống nhanh và mạnh như Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Nhiều ý kiến cho rằng, dịp tết cổ truyền vừa qua là "lịch sử” và rất văn minh, khi việc sử dụng rượu, bia đã giảm xuống mức tối đa. Hình thức xử phạt rất nặng, rất nghiêm, có nhiều người bị xử phạt như vậy nhưng dư luận xã hội vẫn tuyệt đối ủng hộ.
Ở khu vực thành thị đã vậy, ở nông thôn cũng có sự thay đổi rất lớn về nhận thức cũng như thói quen sử dụng rượu, bia. Người dân ứng xử với rượu, bia rất có văn hóa. Mọi năm, đến nhà nào cũng ép nhau uống, tết năm nay, họ không mời rượu nữa, thay vào đó là mời trà. Người mời rượu lại trở thành người khác lạ. Sự thay đổi về nhận thức này đã thành một nếp sinh hoạt, nét văn hóa rất hay, rất ý nghĩa, tạo sự chuyển biến rất rõ trong cuộc sống hàng ngày.
Ông Nguyễn Tiến Hiểu ở tổ dân phố số 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái phấn khởi: "Khu dân cư giờ không còn người say xỉn, gây rối mất trật tự nơi công cộng và điều khiển phương tiện giao thông. Nhiều người lâu nay tưởng chừng không bỏ được rượu, thậm chí còn lợi dụng ngày này, dịp kia để uống rượu nhưng nay không còn thấy mấy ai như vậy nữa. Điều này làm cho cuộc sống văn minh hơn rất nhiều”.
Bên cạnh đó, Luật và nghị định cũng tác động đến các hoạt động kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống do giảm lượng khách đáng kể. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cũng chuẩn bị tái cơ cấu lại để chuyển hướng ngành nghề…
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái, thực hiện đợt cao điểm về đảm bảo an toàn giao thông dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán, từ ngày 15/12/2019 đến 15/2/2020, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã xử lý 582 trường hợp lái xe vi phạm về nồng độ cồn. Trong đó, phát hiện xử lý 27 trường hợp lái xe ô tô và 555 mô tô.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, xử phạt thu nộp ngân sách trên 2,6 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 572 trường hợp, tạm giữ 582 phương tiện ô tô và xe mô tô.
Đặc biệt, lực lượng chức năng đã xử lý trường hợp lái xe ô tô tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia thường trú ở thôn 6, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, với mức phạt cao nhất - 35 triệu đồng và không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông mức phạt 4 triệu đồng, không có giấy phép lái xe xử phạt 5 triệu đồng. Tổng mức phạt trường hợp nêu trên là 44 triệu đồng.
Có thể khẳng định rằng, việc triển khai thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ rất có tác dụng răn đe, góp phần làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân về việc sử dụng rượu, bia và mỗi khi nâng ly lên đều nghĩ đến mức phạt rất cao, từ 30 – 40 triệu đồng cùng thời hạn dài bị tước giấy phép lái xe.
"Đã uống rượu, bia, không lái xe” - thói quen này sẽ dần được hình thành và chấp hành nghiêm chỉnh giống như quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy đã thực hiện nhiều năm qua.