Nam Định: Quyết liệt ngăn chặn tình trạng lái xe khi đã sử dụng rượu, bia

Thứ tư, 04/03/2020 09:03
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; với quyết tâm phòng ngừa tai nạn giao thông (TNGT) do người lái xe say rượu, ngay trước Tết Nguyên đán, cuối năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định số 100) với các mức xử phạt cực kỳ cứng rắn đối với lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.

UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành thành viên và UBND các địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 


Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành các quy định về TTATGT trên địa bàn

Ngay trong tháng 1/2020, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các địa phương triển khai ngay một số nhiệm vụ cấp bách, như: UBND các huyện và thành phố Nam Định đẩy mạnh tuyên truyền những quy định mới của Nghị định 100, nhất là quy định xử phạt vi phạm về nồng độ cồn và các quy định liên quan đến ATGT trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để người dân biết thực hiện; vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia không lái xe” và ủng hộ lực lượng công an làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT, Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân triển khai đồng bộ các giải pháp vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện đúng quy định không lái xe khi đã sử dụng rượu bia.

Trong tháng 1, Sở GTVT đã tổ chức đợt tuyên truyền lưu động, phát trên 5.000 tờ rơi phổ biến các nội dung chính của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 tại 11/11 bến xe khách và các khu vực đông người, phương tiện tham gia giao thông như: Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc, các điểm dừng chờ xe buýt, các nút giao thông cửa ngõ... Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền pháp luật gắn với tuần tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chuyên đề, góp phần kiềm chế, làm giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng 22 tin, bài, phóng sự, ảnh tuyên truyền về việc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, nhất là các quy định về Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ. Tổ chức in, phát miễn phí 150 tờ rơi tuyên truyền về các nội dung của Nghị định 100; tổ chức 421 buổi tuyên truyền lưu động bằng xe máy, ô tô tại các khu vực trọng điểm, tập trung đông dân cư trên toàn tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân về mối nguy từ sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác bảo đảm trật tự ATGT, trong đó tập trung tuần tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, sử dụng các chất kích thích bị cấm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) duy trì 8 tổ công tác thường xuyên (mỗi tổ từ 3-4 cán bộ, chiến sĩ) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT hàng ngày và 1-2 tổ công tác chuyên đề thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích; phối hợp với Công an các huyện Ý Yên, Mỹ Lộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn hai huyện... Có thể nói việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để thực hiện Nghị định 100, đặc biệt là các mức phạt cứng rắn đã mang lại kết quả tích cực trong việc thay đổi ý thức và hành vi của người dân khi tham gia giao thông. Đã giảm hẳn tình trạng người lái xe tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, đặc biệt là các lái xe khách, những người “nắm giữ” mạng sống của nhiều người trong mỗi chuyến xe.  

Để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông cũng như thực hiện hiệu quả những quy định về xử phạt hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông, thời gian tới các ngành chức năng, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát lưu động để phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ban ATGT tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương tổ chức cuộc vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu, bia thực hiện các hoạt động tuyên truyền kêu gọi “đã uống rượu, bia không lái xe”; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh bia, rượu có hình thức thông tin nhắc nhở phù hợp, hỗ trợ khách hàng việc di chuyển để không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên toàn tỉnh thực hiện kiểm tra chất ma túy và nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện vào cấp cứu do tai nạn giao thông, hàng tháng tổng hợp số lượng và danh sách nạn nhân cấp cứu do TNGT và tình hình vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy của nạn nhân để báo cáo Ban ATGT tỉnh.

Các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh nâng cao hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về ATGT, các biện pháp phòng tránh TNGT, trọng tâm là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100. Công an tỉnh tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai các hệ thống giám sát, sử dụng các thiết bị kỹ thuật tiên tiến để phát hiện và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, chú trọng các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là các vi phạm nồng độ cồn, ma túy.

Ngành GTVT chỉ đạo Hiệp hội Vận tải Nam Định và các doanh nghiệp, HTX, chủ phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, lái xe tổ chức ký cam kết tuân thủ các quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất, tập trung vào công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; công tác đăng kiểm, quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; việc chấp hành các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô...

Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng, Ban ATGT các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, ký cam kết thực hiện quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe” đến tận cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố, trong đó hướng vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, người điều khiển xe mô tô, thanh thiếu niên để nâng cao nhận thức, ý thức và làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến quan trọng xây dựng văn hóa giao thông “đã sử dụng rượu bia, không lái xe”./.

kimcuc

Nguồn: Báo Nam Định

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)