Từ khi hộ lan lốp xe cũ, đường lánh nạn và hệ thống cảnh báo an toàn giao thông được làm trên đèo Lò Xo qua huyện Đăk Glei (Kon Tum) và huyện Phước Sơn (Quảng Nam) đã góp phần kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra tại cung đường này.
Nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei có chiều dài khoảng 27km, độ dốc dài, quanh co liên tục, cung đường này nổi tiếng với các điểm đen về các vụ tai nạn giao thông (TNGT) kinh hoàng.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2005-6/2018, trên đoạn đường này đã xảy ra 192 vụ TNGT làm chết 65 người, bị thương 333 người và gây hư hỏng nhiều phương tiện. Trong đó, có những vụ kinh hoàng như: Tháng 4/2005, tại km 442+346 xe ô tô khách chở đoàn cựu chiến binh gặp nạn, lao xuống vực sâu 70m khiến 31 người chết; tháng 3/2018, xe khách 45 chỗ rơi xuống vực làm 1 người chết, 19 người bị thương; ngày 16/6/2018, xe ô tô khách chở 40 người chạy tuyến Hải Dương- Bình Phước tông sập hộ lan, lao xuống vực sâu khiến 3 người chết, 18 người bị thương và hàng chục vụ TNGT xe tự lật trên đèo khiến nhiều người chết, và bị thương…
Hoàn thiện hệ thống tường phòng hộ bằng lốp xe cũ. Ảnh: VP
Theo phân tích của ngành chức năng, các vụ TNGT trên đèo Lò Xo xảy ra chủ yếu vào thời điểm sau 12 giờ đêm do các lái xe lạ đường, chủ quan... Mặc dù đã có hộ lan bằng thép nhưng không tránh khỏi các trường hợp xe lao xuống vực. Năm 2018, ngay sau khi xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trên đèo Lò Xo, tỉnh Kon Tum phối hợp với bộ, ngành Trung ương tiến hành khảo sát, đề xuất và đưa ra nhiều giải pháp kiềm chế TNGT tại đoạn đèo Lò Xo. Trong đó, hệ thống tường hộ lan bằng lốp cao su là một trong những giải pháp được lựa chọn triển khai.
Ông Nguyễn Danh Tiến- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4 (Cục Quản lý Đường bộ III - Tổng cục ĐBVN) cho biết, để tăng cường đảm bảo ATGT cho người và phương tiện khi lưu thông trên đèo Lò Xo, được sự đồng ý của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý Đường bộ III triển khai thực hiện dự án tăng cường ATGT cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Trong đó, thực hiện đầu tư 13 đoạn hộ lan bằng lốp cao su được lắp cố định trên những đoạn đường cong có độ dốc lớn ở đèo Lò Xo đoạn qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Hộ lan này được xây dựng bằng cách đóng trụ thép chôn sâu xuống dưới nền 1,4m, sau đó lấy những lốp cao su cũ có đường kính từ 60 đến 110cm dán với nhau, bên trong đổ đầy cát trước khi gắn cố định vào trụ. Dự án được triển khai từ tháng 10/2018 đến 30/4/2019 hoàn thành đưa vào sử dụng. Dự án do Cục Quản lý Đường bộ III làm chủ đầu tư và do Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum thực hiện thi công.
Nhiều biển cảnh báo được lắp đặt trên khu vực đèo Lò Xo. Ảnh: VP
Theo ông Nguyễn Danh Tiến- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ III.4, lốp ô tô cũ này có tác dụng như hộ lan xoay mà các nước ngoài hay được sử dụng để đảm bảo ATGT. Khi phương tiện giao thông xảy ra sự cố và tông vào bức tường hộ lan cao su này trọng lực khi va chạm sẽ được đàn hồi không bị bung hộ lan 2 tầng đỡ bên ngoài lề taluy. Lốp xe mềm giảm thiểu hư hại phương tiện khi va chạm, làm giảm thiểu thiệt hại.
Ông Nguyễn Quảng - Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Kon Tum (đơn vị thi công, bảo trì tường hộ lan) chia sẻ: “Nếu áp dụng tường xoay con lăn của Hàn Quốc thì chi phí rất đắt đỏ, việc xây dựng tường hộ lan bằng lốp cao su cũ làm cho chi phí đầu tư giảm đi rất nhiều, mà hiệu quả mang lại cũng rất tốt, phù hợp với thực tế địa phương. Từ khi lắp hệ thống này, tai nạn giao thông trên đèo Lò Xo đã giảm rất nhiều. Năm 2019, không có vụ tai nạn nào trên đoạn đường này dẫn đến chết người, thiệt hại về tài sản cũng giảm”.
Ngoài giải pháp làm hộ lan bằng lốp cũ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn cho lắp đặt thí điểm hệ thống camera giám sát tốc độ tại Km 1419+200 (sau đó bàn giao lại cho Ban ATGT và CSGT tỉnh Kon Tum quản lý theo dõi, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm trật tự ATGT); xây dựng xong 2 điểm dừng xe kiểm tra kỹ thuật tại Km 1412+100 và Km 1424+500 và tại đây, lắp đặt những đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, có 3 pano về sơ đồ đèo và những hình ảnh TNGT, lưu ý khi qua đèo Lò Xo, bí quyết lái xe xuống đèo Lò Xo cho an toàn.
Sơn gờ giảm tốc tại nhiều khúc cua trên đèo Lò Xo. Ảnh: VP
Cùng với đó, trên đoạn đèo Lò Xo, đơn vị quản lý tiến hành sơn cụm gờ giảm tốc ngang đường với 21 khúc cua nguy hiểm để cảnh báo cho lái xe lạ đường giảm tốc độ, không thể chủ quan qua những đoạn đường đèo này. Đồng thời, bổ sung 48 biển cảnh báo, như yêu cầu đi số thấp, đoạn đường nguy hiểm, kiểm soát tốc độ…và lắp thêm hệ thống loa thông báo tại 2 vị trí Km 1414+700 và Km 1419+ 200, phát thanh 24/24 giờ về những nội dung cảnh báo TNGT khi lưu thông qua đèo Lò Xo.
Nếu như năm 2018 đèo Lò Xo có tới 18 vụ TNGT, làm 5 người chết thì năm 2019, dù có 11 vụ TNGT nhưng không có người chết. Hệ thống cứu nạn như hộ lan lốp, đường lánh nạn…đã cứu được 6 xe mất phanh đâm vào hộ lan và không bị lao xuống vực. Đó là sự hiệu quả đối với việc xử lý các điểm đen tai nạn trên đèo Lò Xo.