Thanh Hóa: Tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện nghiêm Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Thứ hai, 23/03/2020 08:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP với nhiều điểm mới.

Nhiều thanh, thiếu niên tham gia giao thông
không chấp hành nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm

Theo đó, Nghị định số 100 sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại. Đặc biệt, nghị định mới đã tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Tuy vậy, với nhiều mức xử phạt mới, dường như người dân vẫn còn “thờ ơ”...

Đơn cử như, việc thắt dây an toàn đối với người điều khiển và người ngồi trên xe ô tô không chỉ là quy định bắt buộc của pháp luật mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, tránh tai nạn, giảm nhẹ thiệt hại nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP cũng quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về không thắt dây an toàn khi điều khiển xe, chở người trên xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy đối với ô tô từ mức 100.000 - 200.000 đồng lên 800.000 - 1.000.000 đồng.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn rất nhiều người điều khiển lẫn người ngồi trên xe không thắt dây an toàn. Việc thắt dây an toàn trên xe ô tô nhằm bảo đảm an toàn cho người trên xe tránh bị va đập, hạn chế được mức độ rủi ro trong những trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các cơ quan chức năng khuyến cáo đối với trẻ nhỏ, thắt dây an toàn khi tham gia giao thông bằng ô tô cùng bố mẹ là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tử vong và thương tích nghiêm trọng, trong trường hợp không may xảy ra tai nạn. Người ngồi trên xe không thắt dây an toàn có nguy cơ bật khỏi xe cao gấp 30 lần trong khi va chạm. Trong khi đó, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước giảm được 45-50% nguy cơ tử vong và từ 20-45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; giảm được từ 25-75% nguy cơ tử vong và bị thương ở vị trí ghế sau, khi tai nạn giao thông xảy ra.

Cùng với quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về không thắt dây an toàn khi điều khiển xe, chở người trên xe không thắt dây an toàn khi xe đang chạy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng có nhiều quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm như: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe, tăng lên 1 - 2 triệu đồng; hay nghị định cũng quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm: Vượt đèn đỏ, đèn vàng, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông từ mức phạt 1,2 - 2 triệu đồng (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) lên 3 - 5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 - 3 tháng; chạy quá tốc độ từ 5 đến trên 35 km trở lên, mức phạt từ 600.000 - 8.000.000 đồng tăng từ 800.000 - 12.000.000 đồng, tước GPLX từ 2-4 tháng...

Đối với xe máy, dùng điện thoại, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), tăng mức xử phạt từ 600.000 - 1.000.000 đồng (tước GPLX từ 1 - 3 tháng); vượt đèn đỏ tăng mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng (Nghị định số 46/2016/NĐ-CP) lên 600.000 - 1 triệu đồng, tước GPLX từ 1 - 3 tháng... Tuy vậy, qua tìm hiểu cho thấy, việc quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên dường như vẫn chưa nhận được sự quan tâm, ý thức chấp hành nghiêm các quy định về Luật Giao thông đường bộ của đông đảo người dân. Thực tế, trên các tuyến đường giao thông vẫn có không ít người dân, nhất là đối tượng thanh niên tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu. Tại các nút giao thông có tín hiệu đèn báo, vẫn còn tình trạng người dân vượt đèn đỏ, đèn vàng. Hay tình trạng người điều khiển các phương tiện ô tô, xe máy dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe vẫn diễn ra thường xuyên.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù các cơ quan chức năng chưa xây dựng kế hoạch hay triển khai các chuyên đề, cao điểm về xử phạt đối với các hành vi vi phạm người điều khiển lẫn người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn hay người điều khiển các phương tiện ô tô, xe máy dùng tay sử dụng điện thoại di động... Tuy vậy, trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình công tác, công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với người điều khiển và người ngồi trên xe không thắt dây an toàn, hành vi vi phạm vượt đèn đỏ, đèn vàng, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông; người điều khiển các phương tiện ô tô, xe máy dùng tay sử dụng điện thoại di động... Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nhắc nhở vẫn là ưu tiên hàng đầu được thực hiện thường xuyên nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)